Truy cập nội dung luôn
Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,411
Tổng số trong ngày: 840
Tổng số trong tuần: 9,815
Tổng số trong tháng: 17,779
Tổng số trong năm: 1,298,673
Tổng số truy cập: 17,386,680

Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong việc sử dụng internet, mạng xã hội

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

 

Trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, mạng xã hội đã trở thành một thuật ngữ phổ biến với những tính năng đa dạng cho phép người dùng kết nối, chia sẻ, tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, hiệu quả. Xét về mặt tích cực, mạng xã hội là kênh giúp lan truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là kênh tương tác hiệu quả với công chúng để các cơ quan Đảng, Nhà nước nắm bắt thông tin, kịp thời định hướng dư luận xã hội, từ đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Mạng xã hội không chỉ là phương tiện kết nối của cá nhân mà hiện nay nhiều cơ quan, đoàn thể chính trị - xã hội cũng đã ứng dụng những tính năng vượt trội của mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Ðảng và thực hiện những giao dịch liên quan đến hành chính công...Sự phát triển của internet và mạng xã hội  hiện nay có vai trò quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Hiện nay Việt Nam có khoảng 76,95 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 97,8% dân số từ 13 tuổi trở lên, thời gian sử dụng trung bình là 2,3 giờ/ngày. Theo thống kê chưa đầy đủ về số lượng cán bộ, đảng viên tham gia và sử dụng internet và mạng xã hội, tuy nhiên trong số hơn 5 triệu đảng viên, có thể thấy phần lớn đều đã tham gia, sử dụng internet và mạng xã hội. Đã có hàng triệu tài khoản MXH như: Zalo, facebook, youtube, Instagram, Google; Twitter... Nhiều thông tin nhanh chóng được cập nhật, chia sẻ đến cán bộ, đảng viên, nhân dân, góp phần quan trọng trong việc lan tỏa thông tin tích cực, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Vì vậy việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sử dụng internet và mạng xã hội đã trở thành nội dung được quán triệt xuyên suốt đối với cán bộ, đảng viên.

Tiếp cận, sử dụng internet và mạng xã hội là quyền và nhu cầu chính đáng của mọi người dân, trong đó bao gồm đội ngũ cán bộ, đảng viên. Không thể phủ nhận vai trò tích cực của mạng xã hội, song cũng phải nhận thấy, trên không gian mạng, bên cạnh những thông tin chính thống, tích cực là sự xuất hiện các luồng thông tin xấu độc; các thế lực thù địch và bọn tội phạm đã và đang biến nó thành công cụ đắc lực cho các hoạt động phá hoại tư tưởng, “diễn biến hòa bình” và các hoạt động phạm tội khác. Việc tham gia hay không tham gia mạng xã hội là quyền tự do của mỗi cá nhân. Song với vai trò và nhiệm vụ của cán bộ, công chức, đảng viên đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, công chức cũng cần nhận thức đầy đủ về những mặt tích cực và tiêu cực khi sử dụng mạng xã hội, nhất là xác lập thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn của bản thân trong giao tiếp, tiếp nhận, xử lý thông tin trên mạng xã hội.

Những người tham gia mạng xã hội thường được phân làm 3 nhóm: Một là, nhóm có ý thức tốt, có trình độ nhận thức cao, hiểu rõ, đầy đủ, đúng đắn các vấn đề thực tiễn đất nước, địa phương diễn ra. Họ chủ động đấu tranh chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch bằng cách tích cực tuyên truyền quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, quyết tâm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ. Hai là, nhóm cố tình hiểu sai, cố tình bóp méo, “bôi đen”, xuyên tạc, cố tình nói xấu, vu khống, “thổi phồng” làm sai lệch những giá trị thực, tốt đẹp của Đảng và Nhà nước. Ba là, nhóm vô tình bị lôi kéo, hùa theo những ý kiến trái chiều, phản động mà chính bản thân họ cũng chưa thể nhận ra, phần lớn họ là những người có trình độ nhận thức còn hạn chế, thiếu thông tin chính thống, có tâm lý a dua, tâm lý hiếu kỳ, đám đông...

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã thẳng thắn nhìn nhận: Hệ thống thông tin đại chúng còn nhiều hạn chế; một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, có biểu hiện thương mại hóa; quản lý mạng xã hội còn bất cập. Do đó, cần phải: Tăng cường quản lý, phát triển các loại hình thông tin, truyền thông trên internet. Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị-xã hội, thuần phong mỹ tục. Cũng như: không ngừng đổi mới tư duy lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên Internet theo kịp sự phát triển của công nghệ Internet,…chủ động, kiên trì thúc đẩy phát triển đúng hướng đi đôi với quản lý chặt chẽ.

Thời gian qua, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên có ý thức trách nhiệm, tham gia mạng xã hội một cách có văn hóa, có lập trường và chính kiến, chủ động nhận diện, đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, phản động và những thông tin xấu độc trên mạng xã hội thì vẫn còn số ít đảng viên thờ ơ, vô cảm trước những thông tin xấu độc. Đặc biệt lợi dụng mạng internet, gần đây, một số đối tượng đã tạo lập tài khoản trên MXH để phát tán những hình ảnh, thông tin không đúng sự thật trên nhiều lĩnh vực phát tán thông tin sai sự thật về Đảng, Nhà nước, về tỉnh , huyện và các đồng chí lãnh đạo với những thông tin thiếu căn cứ, có nội dung xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của tổ chức, cá nhân.

Trước những mặt tích cực và tiêu cực của việc sử dụng internet và mạng xã hội, ngày 16/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đã ban hành Chỉ thị số 21 về nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong việc sử dụng internet, mạng xã hội. Trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Quán triệt cán bộ, đảng viên thực hiện đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nuớc khi tham gia Internet, mạng xã hội. Xác định công tác quản lý, sử dụng, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên Internet, mạng xã hội là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.

Thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hiệp Hòa đã ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội huyện, các chi, đảng bộ cơ sở triển khai thực hiện nội dung thường xuyên quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu chấp hành nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước khi tham gia Internet, mạng xã hội; không lợi dụng Internet, mạng xã hội để bày tỏ quan điểm của mình trái với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị.

Trang Fanpage chính thống của UBND huyện Hiệp Hòa

Thường xuyên tuyên truyền, lan tỏa thông tin tích cực, có nguồn chính thống; giới thiệu, quảng bá các hình ảnh đẹp, thông tin tốt của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, chia sẻ, lan tỏa gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội.  Nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện cũng đã quan tâm khai thác hiệu quả Internet, MXH trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ứng xử văn hóa của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Huyện duy trì hiệu quả đăng tải các thông tin chính thống trên cổng thông tin điện tử huyện, trang fanpage “UBND HUYỆN HIỆP HÒA”; “HIỆP HÒA NGÀY MỚI”; tài khoản Zalo OA của huyện. Các cơ quan đơn vị, các ngành đoàn thể huyện, các xã, thị trấn cũng đã duy trì, xây dựng và phát triển các trang fanpage, Facebook hiệu quả của đơn vị để thường xuyên cập nhật những thông tin quan trọng, bổ ích trên các lĩnh vực của địa phương. Toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân “theo dõi” (follower) các trang thông tin điện tử, trang fanpage chính thống của huyện trên mạng xã hội, đồng thời tích cực bình luận (comment), thích (like), chia sẻ (share) các bài viết tại các trang thông tin điện tử nêu trên.

Huyện ủy cũng đã chỉ đạo đưa nội dung lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt cấp ủy, chi bộ hằng tháng, kiểm điểm trách nhiệm của đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội theo tinh thần Chỉ thị số 21 gắn với việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, đây cũng là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm.

Một trong những yêu cầu đặt đối với mỗi cán bộ, đảng viên là phải trở thành “người thông thái” khi tiếp nhận thông tin trên không gian mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện được trách nhiệm xã hội khi tham gia không gian mạng. Đó là, phải xác định tính chính danh, độ uy tín, tin cậy của trang mạng, tài khoản mạng xã hội và nội dung được đăng tải trước khi thực hiện việc chia sẻ, phát ngôn, trích dẫn, bình luận… Tham gia không gian mạng có trách nhiệm chính là cách để thể hiện yếu tố văn hóa, văn minh và tinh thần thượng tôn pháp luật của một cá nhân khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng. Tinh thần trách nhiệm của người đảng viên luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên… thể hiện đúng vị trí, vai trò của mình, dù ở bất cứ môi trường hay bối cảnh xã hội nào.

Thực hiện tốt tinh thần nêu gương, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu, sự thống nhất giữa lời nói, hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, kiến tạo niềm tin và truyền đi những động lực tích cực cho nhân dân. Tuân thủ nghiêm kỷ luật phát ngôn, tinh thần tự chịu trách nhiệm khi cung cấp, phát tán, đăng tải thông tin của cá nhân và những quy tắc ứng xử trên mạng xã hội.

Mỗi cán bộ, công chức đảng viên cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, bôi nhọ, thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Cảnh giác trước các nguồn thông tin sai trái, thù địch, trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. chấp hành tốt các quy định về quyền thông tin, phạm vi thông tin theo quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tiếp cận Thông tin năm 2016 và Luật An ninh mạng; những điều Đảng viên không được làm…Đặc biệt, khi tham gia mạng xã hội cần biến trang mạng xã hội của mình thành một kênh thông tin, tuyên truyền thường xuyên, chính thống về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Bài học cho cán bộ, đảng viên qua một số vụ việc liên quan đến tham gia không gian mạng chính là phải giữ nghiêm kỷ luật, phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy cơ quan và các quy định của các tổ chức, đoàn thể mà bản thân là thành viên. Bên cạnh sử dụng không gian mạng đúng quy định của pháp luật còn phải thể hiện tính văn hóa, văn minh, tính kỷ luật, tính Đảng. Đây phải là điều được quán triệt thường trực trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên trong bối cảnh hiện nay.

Việc sử dụng internet và mạng xã hội mở ra nhiều cơ hội thuận lợi để cán bộ, đảng viên nâng cao trình độ, cập nhật thông tin, tình hình, nắm bắt dư luận để tham mưu cho các cơ quan, ban, ngành trong việc lãnh đạo, quản trị điều hành xã hội, quốc gia đạt kết quả cao nhất. Bên cạnh đó, những hành vi lệch chuẩn của một số cán bộ, đảng viên trong sử dụng internet và mạng xã hội cần được nhận diện, chấn chỉnh kịp thời nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, nhân văn để cán bộ, đảng viên xứng đáng là "đầu tàu" dẫn dắt, tổ chức và khơi dậy sức mạnh, tinh thần đoàn kết trong nhân dân, tạo xung lực mới để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hải Vân