Skip to Content
Thứ hai, 03 Tháng 06 Năm 2024

Không tìm thấy video nào

Không tìm thấy video nào

User Online: 17,564
Total visited in day: 2,009
Total visited in Week: 10,984
Total visited in month: 18,948
Total visited in year: 1,299,842
Total visited: 17,387,849

Huyện Hiệp Hoà tự hào 77 năm truyền thống quê hương cách mạng – vững bước trên chặng đường mới

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Là địa phương dựng cờ khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện đầu tiên ở tỉnh Bắc Giang, mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám 1945 thắng lợi, tạo nên mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt. Huyện Hiệp Hòa – Bắc Giang in đậm dấu ấn về An toàn khu II (ATK II) nay là khu di tích quốc gia đặc biệt. Con người nơi đây quật cường anh dũng, từng rất khó khăn, vất vả, chật vật về kinh tế. Nhưng hôm nay, Hiệp Hòa nổi lên là vùng quê phát triển năng động, “thay da đổi thịt” từng ngày.

Xứng danh vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Lịch sử địa phương ghi lại rằng, vùng ATK II Hiệp Hòa, tỉnh Bắc giang được manh nha hình thành từ năm 1938 với sự kiện đồng chí Hoàng Quốc Việt về hoạt động gây dựng cơ sở cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của xứ ủy Bắc Kỳ, phong trào cách mạng ở Hiệp Hòa phát triển nhanh chóng tới nhiều xã dẫn đến sự ra đời Chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Hoàng Vân vào ngày 16/2/1940. Thời kỳ này, nhiều đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh như: nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc ra đời ở các thôn Đồng Áng, Vân Xuyên, Hoàng Liên, Trung Định, Xuân Biều...

Khí thế cách mạng hừng hực trong các làng, xã của huyện. Bất chấp sự lùng sục, đàn áp dã man của thực dân Pháp, Nhân dân Hiệp Hòa đã dũng cảm nuôi giấu, bảo đảm an toàn cho nhiều cán bộ của Trung ương và tổ chức Đảng ở địa phương.

Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi như vị trí địa lý hiểm trở, giao thông khó khăn, đặc biệt quần chúng được giác ngộ cách mạng, rèn luyện trong thử thách đấu tranh, có nhiều cơ sở cách mạng vững vàng. Năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập ATK II tại khu vực giáp ranh giữa huyện Hiệp Hòa với huyện Phổ Yên và Phú Bình (Thái nguyên). ATK II nhanh chóng trở thành địa bàn hoạt động an toàn của Ban Thường vụ Trung ương Đảng và là nơi tổ chức huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng, nơi diễn ra nhiều hội nghị, sự kiện quan trọng của Trung ương Đảng, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Bắc Kỳ...

Từ khi thành lập cho tới khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, ngô Thế sơn, Trương Công Lệnh, Lê Hoàng, Hà Thị Quế, nguyễn Trọng Tỉnh, nguyễn Thị Thuận, Lê Thanh nghị... đã về đây tuyên truyền, gây dựng phong trào cách mạng, được Nhân dân đùm bọc, che chở và bảo vệ an toàn.

Trước yêu cầu đấu tranh cách mạng, tại đình làng Vân Xuyên, ngày 25/2/1945 đội tự vệ vũ trang đầu tiên của huyện được thành lập đã hỗ trợ Nhân dân nổi dậy đấu tranh chống lại chính quyền thực dân tay sai và phát xít Nhật.

Từ ngày 9 đến 12/3/1945, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Từ Sơn (Bắc Ninh) đã ra chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” kêu gọi quần chúng Nhân dân đứng lên giành chính quyền. Sau khi dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng, đồng chí Lê Thanh Nghị, chỉ đạo phong trào chống Nhật ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Phúc Yên và đồng chí nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban cán sự Đảng Bắc Giang nhận lệnh của Tổng Bí thư Trường Chinh về ngay Hiệp Hòa để chỉ đạo trực tiếp phong trào.

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử dân tộc đã được tạo nên nơi bờ Bắc sông Cầu. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, từ ngôi đình Xuân Biều - xã Xuân Cẩm, cán bộ và Nhân dân trong xã đã nhất tề vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất cả nước.

Giữa lúc khí thế trong cả nước đang lên cao, Trung ương Đảng chọn Hiệp Hòa làm địa điểm họp hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất do đồng chí Trường Chinh - Tổng Bí thư của Đảng chủ trì. Tại hội nghị này, Trung ương đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí đặc biệt quan trọng, cấp thiết để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Dưới sự chỉ huy của Ban Cán sự Đảng tỉnh, lực lượng vũ trang (LLVT) của tỉnh và tự vệ Hoàng Vân đã đánh phá huyện lỵ Hiệp Hòa, khởi nghĩa giành chính quyền cấp huyện sớm nhất tỉnh. Hội nghị đại biểu nhân dân huyện Hiệp Hòa đã thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc, bầu đồng chí Ngô Tuấn Tùng làm Chủ tịch. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh. Với những đóng góp to lớn đó, Đảng bộ, chính quyền, LLVT và Nhân dân huyện Hiệp Hòa cùng 3 xã: Hoàng Vân, Xuân Cẩm, Hoàng An đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ chống Pháp, xã Hòa Sơn được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Chính quyền và nhân dân Hiệp hòa vẫn luôn nỗ lực, phấn đấu mỗi ngày dù thời chiến hay thời bình.

Phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập

Biết đến là cái nôi của cách mạng, nơi góp phần tạo nên những chiến công vang dội đầy tự hào, huyện Hiệp Hòa đã chứng kiến sự đi lên của cách mạng và cả sự đổ máu, ngã xuống của biết bao lớp chiến sĩ, người dân. Những tổn thất và sự tàn phá của chiến tranh tưởng chừng Hiệp Hòa khó vực dậy. Rồi ai cũng nghĩ, Hiệp Hòa được lựa chọn là cứ điểm ATK II bởi xa trung tâm, núi đèo hiểm trở, giao thông liên lạc khó khăn. Nhưng trở lại với thời bình, vượt qua mọi điều kiện chưa thuận lợi, chinh phục thử thách Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây luôn kiên cường, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, dân chủ, đổi mới... Hiệp Hòa vươn mình thay đổi diện mạo.

Huyện đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực, chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất năm 2020 tăng 10 lần so với năm 2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 42,6 triệu đồng/người/năm. Huyện có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 3 xã NTM nâng cao, 22 thôn NTM kiểu mẫu, 136 thôn NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn với kết quả đạt cao.

Thời gian tới, huyện Hiệp Hòa chú trọng toàn lực phấn đấu từng bước hoàn thành bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Đến năm 2025, phấn đấu có 10 xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Có thêm từ 10 - 15 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số thôn NTM kiểu mẫu đạt 30 - 35 thôn.

Ngoài ra, huyện cũng tiếp tục phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, trọng tâm sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo hình thức liên kết. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp gắn với uy tín doanh nghiệp, hợp tác xã. Thực hiện hiệu quả chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) - mỗi năm có từ 2 - 3 sản phẩm được xếp hạng chương trình Ocop cấp tỉnh và khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Từng bước phát triển du lịch cộng đồng trong xây dựng NTM, gắn với giá trị văn hóa truyền thống, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, lợi thế về cảnh quan, môi trường (đặc biệt phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt như: đình Lỗ Hạnh, nhà lưu niệm ATK II, khu lưu niệm Bác Hồ về thăm Cẩm Xuyên - xã Xuân Cẩm) góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Chất lượng giáo dục được nâng lên, thi học sinh giỏi xếp thứ 2/10 huyện, thành phố. sau dịch Covid - 19 các biện pháp phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội được triển khai kịp thời, đồng bộ. Đời sống Nhân dân tiếp tục được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Trong chặng đường phát triển, tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, quân và Nhân dân Hiệp Hòa luôn giữ vững tinh thần, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng khắc phục khó khăn, phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tạo ra những đột phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Hiệp Hòa ngày càng giàu đẹp, sớm trở thành trung tâm phía Tây tỉnh Bắc Giang và đạt đô thị loại IV vào năm 2025.

Nguyễn Phương