跳转到内容
Thứ hai, 20 Tháng 05 Năm 2024

Không tìm thấy video nào

Không tìm thấy video nào

User Online: 11,767
Total visited in day: 14,219
Total visited in Week: 19,872
Total visited in month: 190,837
Total visited in year: 1,186,895
Total visited: 17,274,902

Phát triển nghề làm quỳ bạc ở Hợp Thịnh

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết

Nghề làm bạc quỳ vốn xuất xứ từ làng nghề dát vàng, bạc ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Hơn chục năm trở lại đây đã được du nhập và phát triển mạnh ở thôn Hương Ninh, xã Hợp Thịnh (huyện Hiệp Hòa) đem lại hiệu quả kinh tế và tạo công ăn việc làm mới cho bà con nông dân địa phương.

Thôn Hương Ninh hiện có gần 40 hộ làm nghề gia công quỳ bạc. Đây là mặt hàng tinh xảo được làm thủ công, dùng để dát lên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như hoành phi, câu đối, tượng phật và đồ gốm các loại. Đặc điểm của nghề này là vừa phong phú trong việc tìm nguồn hàng lại dễ làm, phù hợp với nhiều lứa tuổi lao động nên các xưởng gia công quỳ ở đây luôn thu hút nhiều lao động, đặc biệt là lao động phụ nữ và thanh niên, người khuyết tật. Trung bình mỗi xưởng thu hút và tạo việc làm cho khoảng 15 đến 20 lao động. Với mức thu nhập từ 2-3 triệu đồng/người/tháng. Ông Lê Quang Tạo - một chủ xưởng Đập quỳ ở xóm 2, thôn Hương Ninh cho biết: Gia đình tôi mở xưởng làm bạc quỳ đã được gần 8 năm, đây là một công việc thủ công nhẹ nhàng, có thể làm quanh năm, ở mọi thời tiết, mùa vụ, đặc thù của nghề này là không thể không thể dùng được các loại máy móc hiện đại để làm thay con người nên cũng được coi là bước đi thuận lợi trong phát triển kinh tế gia đình, đồng thời giúp bà con có thêm nghề phụ tăng thu nhập.

Theo các hộ làm quỳ ở đây, quá trình làm bạc quỳ phải trải qua các công đoạn như: cắt dòng, nong quỳ, đập quỳ và trại quỳ. Mỗi công đoạn lại có nhiều khâu nhỏ hơn, lên tới hàng chục khâu khác nhau mới cho ra thành phẩm. Không chỉ tốn công, nghề làm bạc quỳ tân còn đòi hỏi ở người thợ sự kiên trì, khéo léo. Các bản thiếc sau khi được nhập về, cắt thành từng hình vuông nhỏ khoảng 1cm2. Mỗi một lá thiếc bạc mỏng đó được đặt vào một lá quỳ hình vuông có cạnh khoảng 4cm. Lá quỳ được làm từ giấy dó mang về đập dập, sau đó được quét nhiều lần bằng một loại mực chuyên dụng (làm bằng nhựa thông tươi và mùn cưa, sau khi đun nóng lên thì lấy bồ hóng trộn với keo da trâu tạo nên loại mực này). Công đoạn này được gọi là nong quỳ. Đến công đoạn đập quỳ, mỗi một cấp quỳ có khoảng 200 - 300 lá, trên mỗi một lá đặt một mảnh bạc (thiếc), sau đó dùng vải (mà phải là vải chất liệu dai, không dãn) quấn lại thật chặt, đặt lên đe bằng đá, dùng búa chuyên dụng đập lên tập quỳ đó liên tục. Thường thì người thợ đập từ khoảng 45 đến 50 phút  thì mảnh bạc được dàn mỏng ra bằng lá quỳ. Công đoạn này rất quan trọng, quyết định đến chất lượng bạc dát lên sản phẩm có màu sáng hay xỉn. Cuối cùng là công đoạn trại quỳ, lá bạc sẽ được lấy ra và đặt xen kẽ lên giấy. Trại quỳ cũng là công đoạn khó, đòi hỏi tỉ mẩn và tinh tế, phải lấy bạc sao cho lá bạc không bị rách, không dính vào tay. Những lá bạc này rất mỏng do vậy, công đoạn này cần được thực hiện ở một nơi kín gió và tĩnh lặng. Tất cả các khâu trong quy trình làm bạc quỳ kể trên đều được tiến hành theo trình tự rất nghiêm ngặt mà không thể làm tắt hay ăn bớt, bỏ đi một khâu nào. Sau khi trại quỳ xong, sản phẩm quỳ cuối cùng được bó thành từng bó (mỗi bó khoảng 20 hàng quỳ). Quỳ có 2 loại: quỳ dừ (sử dụng cho tượng phật, đồ thờ) và quỳ dành cho sơn mài (giữ nguyên lá để thiết vào đồ bát tràng). Sản phẩm được xuất đi chủ yếu ở các công ty gốm, xứ; các hộ làm nghề dát vàng, bạc ở làng nghề truyền thống Kiêu Kỵ và làng gốm Bát Tràng (thành phố Hà Nội) để trang trí cho các sản phẩm mỹ nghệ… Trừ chi phí các loại, mỗi hộ mở xưởng làm bạc quỳ nếu làm nhiều cho thu nhập khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng; hộ làm ít cũng thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng.  Cùng với sản xuất nông nghiệp, nghề làm bạc quỳ này đã góp phần tăng thu nhập bình quân toàn thôn lên trên 9-10 triệu đồng/người/năm, hộ khá giàu ngày càng tăng cao. Đặc biệt việc có thêm nghề làm bạc quỳ đã giúp tăng thu nhập, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề cho người dân địa phương, đồng thời tình hình trật tự an ninh thôn xóm, các tệ nạn xã hội trên địa bàn đã giảm đáng kể.

Người lao động thực hiện công việc quy trình làm quỳ bạc

  

Hiện nay, việc phát triển những ngành nghề thủ công truyền thống đang được huyện Hiệp Hòa tiếp tục quan tâm, đầu tư, tuy nhiên trong xu thế chung của cơ chế thị trường, việc phát triển làng nghề thủ công như nghề bạc quỳ còn gặp không ít khó khăn. Để nghề làm bạc quỳ ngày càng phát triển, những người dân Hương Ninh, xã Hợp Thịnh mong muốn có những chính sách hỗ trợ để ngành thủ công nói chung và nghề làm bạc quỳ của địa phương nói riêng có hướng phát triển lâu dài, ổn định, góp phần phát triển kinh tế, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.