Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, 10 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15,097
Tổng số trong ngày: 1,086
Tổng số trong tuần: 40,183
Tổng số trong tháng: 99,734
Tổng số trong năm: 1,095,792
Tổng số truy cập: 17,183,799

Giá trị Lịch sử Di tích quốc gia đặc biệt ATK II Hiệp Hòa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Là cửa ngõ Việt Bắc đi xuống đồng bằng nên ngay từ năm 1943 Hiệp Hòa Bắc Giang là 1 trong 3 huyện được Ban thường vụ trung ương đảng tiến hành xây dựng ATK II và xác định đây là căn cứ đặc biệt quan trọng bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não, bảo vệ đội ngũ cán bộ chủ chốt của đảng. Căn cứ này giúp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo  của Đảng, trung ương, xứ ủy Bắc Kỳ và ủy ban quân sự được thông suốt kịp thời. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính Phủ quyết định công nhận 8 điểm di tích ATK2 Hiệp Hòa là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Hơn 80 năm về trước, tháng 8 năm 1938, theo chỉ đạo của Trung ương, đồng chí Hoàng Quốc Việt- Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về Vân Xuyên, xã Hoàng Vân gây dựng cơ sở cách mạng. Được sự che chở, đùm bọc của gia đình Nhà Cụ Đồ Ba, ở thôn Vân Xuyên, chỉ trong thời gian ngắn, cơ sở là căn cứ cách mạng đã được mở rộng tới cả 3 xóm của làng Vân Xuyên là: xóm Đông, xóm Trung, đặc biệt là xóm Đá (tức xóm Đỏ). Dẫu khó khăn, nguy hiểm nhưng ngay trong thời kỳ hoạt động bí mật, mỗi gia đình nơi đây là một địa chỉ “đỏ” - một pháo đài bất khuất, mỗi làng quê là một lũy thép kiên cường, một lòng bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Ông Nguyễn Thanh Quất, Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc cho biết: Thời kỳ tiền khởi nghĩa, ở Hoàng Vân xóm nào cũng có cơ sở cách mạng, đặc biệt ở xóm Đá, thôn Vân Xuyên thì hầu hết các gia đình hoạt động cách mạng công khai. Do đó sau này xóm Đá được gọi là xóm Đỏ- nơi đây đã được Trung ương chọn là địa điểm để đào tạo cán bộ mà trực tiếp do Tổng Bí thư Trường Chinh phụ trách.

Từ xóm “Đỏ” Vân Xuyên, phong trào cách mạng lan rộng ra cả Tổng Hoàng Vân và nhiều làng, xã của cả huyện Hiệp Hòa, rồi lan sang các vùng lân cận Phú Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên..... Mỗi tên đất, tên làng vùng ATK II đều ghi dấu ấn các sự kiện lịch sử quan trọng, gắn liền với hoạt động của nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, sự kiện ngày 12/3/1945, tại Đình làng Xuân Biều, xã Xuân Cẩm dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của đồng chí Lê Thanh Nghị, một cuộc mít tinh lớn được tổ chức có hơn 70 tự vệ và 300 quần chúng tham gia. Đây là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã thắng lợi đầu tiên trên phạm vi cả nước ngay sau khi Ban Thường vụ trung ương Đảng có Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Từ “đốm lửa” đầu tiên tại Xuân Biều đã thổi bùng lên “trời lửa” cách mạng tháng Tám năm 1945, mở đầu cho phong trào khởi nghĩa giành chính quyền của tỉnh Bắc Giang, cũng như trên phạm vi toàn quốc.

Trước khí thế mãnh mẽ của lực lượng cách mạng, cùng sự kiện mít tinh tại đình Chợ Vân nhằm phát động cao trào chống Nhật, cứu nước rộng rãi trong quần chúng và sự kiện tại đình Vân Xuyên ngày 1/6/1945, khi đơn vị vũ trang của tỉnh triển khai kế hoạch chiến đấu, tiến thẳng vào huyện đường, toàn bộ lính đã nộp vũ khí đầu hàng, chấm dứt vĩnh viễn chính quyền của chế độ phong kiến thực dân và phát xít. Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh trước ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8/1945)…

Dẫu đã trải qua nhiều năm tháng, song kí ức hào hùng về các sự kiện hoạt động cách mạng diễn ra tại các di tích ATK II huyện Hiệp Hòa vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt cội nguồn lịch sử cách mạng này luôn được bảo tồn, phát huy giá trị để di tích Quốc gia đặc biệt trở thành biểu tượng của truyền thống văn hiến, truyền thống cách mạng anh hùng. Và ngọn lửa truyền thống ấy sẽ mãi là động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hiệp Hòa tiếp tục thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Phương Nhung