Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, 10 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,808
Tổng số trong ngày: 4,841
Tổng số trong tuần: 43,938
Tổng số trong tháng: 103,489
Tổng số trong năm: 1,099,547
Tổng số truy cập: 17,187,554

Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Trâu Lỗ

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đình Trâu Lỗ xưa thuộc xã Trâu Lỗ, tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, phủ Đa Phúc, nay thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Đình Trâu Lỗ được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 3211- QĐ/BT ngày 12 tháng 12 năm 1994 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Có thể xem đình Trâu Lỗ là di tích kiến trúc nghệ thuật gỗ độc đáo tiêu biểu thứ ba sau đình Lỗ Hạnh “Đệ nhất Kinh Bắc” và đình Hương Câu cùng huyện.

Đình Trâu Lỗcó kiểu dáng kiến trúc hìnhchữ nhấtgồm một tòa đại đình to lớn với ba gian hai chái bốn mái đao cong.Phía trước sân nằm trên hai đầu tường bao còn hai cột đồng trụ. Trên thân cột đồng trụ còn đắp câu đối chữ Hán. Theo các cụ cao niên cho biết,năm 1956 nhân dân địa phương tu sửa đình sau đó tháo dỡ bỏ tòa tiền tế còn để lại hai cột đồng trụ. Hai cột đồng trụ nằm trên bờ tường hiện nay là ở tòa tiền tế, dấu tích của những lần tu sửa ngôi đình. Như vậy,đình Trâu Lỗ xưa có kiến trúc kiểu chữ nhị gồm hai tòa nhưng qua quá trình tu sửa nay chỉ còn một tòa tạo lối kiến trúc kiểu chữ nhất. Tòa đại đình có bốn mặt mái với các đầu đao cong bay bổng, hai mặt mái bên và hai mặt mái chính đều lợp ngói mũi. Bờ nóc xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng tới hai đầu kìm nóc. Đầu kìm nóc tạo hình đầu rồng cách điệu đang há miệng ngậm chọn lấy bờ nóc. Bờ dải cũng xây tạo dải hoa chanh để nối với khúc nguỷnh. Khúc nguỷnh là chỗ đứng của con sô được tạo hình đôi nghê chầu đang ngoảnh đầu ra ngoài như để kiểm soát tư cách khách hành hương trước khi vào thăm đình. Bờ guột xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng để nối với bốn đầu đao cong. Các góc đầu đao đắp hình rồng phượng cách điệu có dáng vút cong lên. Bốn góc đầu đao với các bẹ đao bẻ góc tạo dáng cong vút làm cho ngôi đình thêm thanh thoát mềm mại. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, nó còn mang yếu tố đối đãi âm dương. Nhiều vốn giá trị văn hóa dân gian, giá trị kiến trúc nghệ thuật được phô diễn tại đây. Sự tài khéo của người thợ nề thi công đình Trâu Lỗ đã đắp các bờ nóc, bờ dải hoa chanh cứng rắn, chắc khỏe nhưng rất thanh thoát mềm mại,đồng thời tạo bốn góc đầu đao cong tạo cho mái đình bay bổng. Tất cả các tổ hợp kiến trúc cùng các con giống trên hệ mái tạo thành một khối kiến trúc theo một chỉnh thể thống nhất hài hòa tôn kính.Hiên đình lát gạch vuông mặt ngoài được bó bằng một hàng đá xanh bản rộng hình chữ nhật chạy dài dọc theo bờ hiên. Cửa gỗ thượng song hạ bản chạy suốt ba gian. Ở gian giữa còn giữ được bộ cánh cửa gỗ đồ sộ tạo theo kiểu thượng song hạ bản. Bộ cửa gỗ này rất ít thấy ở các ngôi đình khác, cửa được lắp bánh lăn bằng gỗ để gánh đỡ trọng lượng lớn của nó và giúp cho sự mở đóng được dễ dàng. Hệ thống ván sàn đình hiện nay không còn nữa nhưng thông qua các lỗ mộng ở cột đình có thể thấy sàn đình Trâu Lỗ xưa rất quy mô chắc chắn. Ở hai đầu tường mái hồi đình Trâu Lỗ còn 12 tấm bia đá có nội dung rất phong phú ghi về phong tục tập quán địa phương, về việc lập hậu Thần. Thông qua tư liệu Hán Nôm trên bia đá được biết niên đại khởi dựng đình Trâu Lỗ vào năm 1675. Cũng căn cứ vào nội dung những tấm bia này, người đời sau biết được đầy đủ các nămtu sửa đình nhưnăm 1898, 1909, 1944 và gần đây năm 1956. Đã trải qua trên 300 năm thử thách cùng thời gian, đình Trâu Lỗ hiện nay vẫn còn bảo lưu được nhiều nét kiến trúc cổ của ngày đầu khởi tạo. Tòa đại đình có ba gian hai chái với 6 hàng chân cột, mỗi hàng 8 cột được liên kết với khung gỗ tạo vì mái. Các cột cái gỗ tứ thiết có đường kính trung bình 30- 35cm. Phần liên kết khung gỗ vì mái chắc chắn gồm 4 vì mái liên kết giống nhau kiểu vì kèo cột ván. Bốn vì kèo bốn góc chái lại có bốn xà bút vuông góc để gánh đỡ bốn đầu đao cong. Nhìn chung các cấu kiện kiến trúc đình Trâu Lỗ không chạm khắc nhiều nhưng lại có giá trị nghệ thuật bởi lối kiến trúc liên kết đình rất độc đáo. Các cấu kiện gỗ trong đình đều to khỏe chắc chắn tạo cho ngôi đình càng cổ kính vững chãi. Ngôi đình tạo theo lối cổ này không có cốn nách hay các con chồng như những ngôi đình khác. Bộ khung gỗ liên kết vì mái tolớn đồ sộ, nền đình lát gạch chỉ rất thấp chỉ bằng sân đình khiến cho lòng đình càng cao và rộng, tạo không gian độ cao lớn khi đứng ở trong đình.

Các cấu kiện kiến trúc bên trong đình không chạm khắc nhiều nhưng trên các đầu kẻ chạy xung quanh bốn mái đình và trên các ván dong ở tòa hậu cung lại được chạm khắc công phu chi tiết có giá trị nghệ thuật. Điều đặc biệt là các đầu kẻ mái hiên trước chạm kỹ hơn ở cả hai mặt, đề tài chạm khắc chủ yếu là hình rồng, hình vân mây, đao mác. Nghệ thuật chạm nổi trên các cấu kiện kiến trúc có giá trị nghệ thuật, hầu hết các mảng chạm đều giống nhau cùng chung một phong cách, một tiếng nói tạo hình của nghệ thuật chạm khắc ở thế kỷ XVII.

Hậu cung đình Trâu Lỗ gắn liền với tòa đại đình nhưng không phải chuôi vồ giống như các ngôi đình khác ở thời Nguyễn mà hậu cung đình ở đây được phát triển theo chiều cao tạo thành gian thượng cung. Đó là lối cấu trúc cổ mà ta thường thấy ở các ngôi đình có niên đại xây dựng sớm như đình Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ cùng huyện, đình Thổ Hà xã Vân Hà, huyện Việt Yên.... Nhìn tổng thể ngôi đình chỉ có một tòa đại đình lớn, phần thượng cung phát triển theo chiều cao nhô ra ở phần mái sau gian giữa với hai mặt mái nhỏ xây bít đốc. Bên trong thượng cung đình Trâu Lỗ có cấu trúc hai gian tạo ba vì mái liên kết theo kiểu con chồng trụ giá chiêng, dui ken dày liền nhau.  Điều đáng chú ý ở hàng hoành phía bên dưới sát tường hậu cung có hoành màn chạm khắc hình rồng chầu mặt hổ phù rất sinh động, nghệ thuật chạm khắc điêu luyện, hình thức để mộc rất đơn giản. Hậu cung được đóng bởi cửa gỗ ván cánh gồm 8 tấm được sơn vẽ công phu nhưng hiện nay đã bị mờ mòn nhiều. Phía trước trên xà ngang hậu cung treo bức đại tự: “Dương dương tại thượng”. Sàn hậu cung lát ván gỗ được chia làm hai phần. Phần trên cùng là nơi đặt long sàng trên đặt hai ngai thờ, bài vị, phần dưới đặt các đồ tế khí và các đồ thờ tự khác.

Đình Trâu Lỗ thờ hai vị Thành hoàng làng là Vua Ông, Vua Bà. Trong hậu cung đình làng còn hai bộ ngai thờ trên có đặt bài vị cổ. Lòng bài vị khắc chữ Hán ghi tên người được thờ là: “Quan Hiệp thánh thần, tuệ trí thông minh, chính trực tế thế an dân, tề trang trung chính, tài minh dũng lược, túc uy tĩnh nan, tá tri hiển hộ linh ứng, diệu thông phù bình, dực thuận thừa hựu, đốc bật tập phúc Đại vương”. Bài vị thứ hai ghi: “Lương hậu âm tĩnh, từ hạnh trinh khiết, đoan trang lưu nhất, mỹ tiết trinh thực, hiền hòa dung ngôn, công tắc cẩn hạnh, thị nghi cung ý, tuyên từ huệ hòa, tuệ thân trưng tố, phạm nghiên thứ tứ, chất trinh thục uyển mỵ phi nhân”. Còn trong bản thần tích thần sắc của làng ghi: “Thành hoàng làng hiệu ngài là Đức Thánh Chương húy là Đức Thánh Công”. Bản thần tích của làng còn ghi lại đây là hai vị nhân Thần có công với dân làng dưới thời vua Triệu Việt Vương. Ngoài đình Trâu Lỗ, hai vị Thành hoàng còn được thờ ở đền Trâu Lỗ cạnh sông Cầu. Đã có 7 đạo sắc phong dưới các triều đại phong kiến ban tặng cho các vị Thần được thờ ở đình, đền. Rất tiếc hiện nay trong đình, đền Trâu Lỗ chỉ còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong. Đạo sắc có niên đại sớm nhất được ban tặng vào ngày 29 tháng 7 năm Dương Đức thứ 3 tức đời vua Lê Gia Tông năm 1674. Đạo sắc thứ hai ban tặng ngày 16 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 44 tức đời vua Lê Hiển Tông năm 1783. Đạo sắc thứ ba ban tặng ngày 16 tháng 5 năm Tự Đức thứ 6 tức đời vua Nguyễn Dực Tông năm 1853. Đạo sắc thứ tư ban tặng ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 tức đời vua Nguyễn Dực Tông năm 1880. Đạo sắc thứ 5 ban tặng ngày 1 tháng 7 năm Đồng Khánh thứ 2 tức đời vua Nguyễn Cảnh Tông năm 1887. Đạo sắc thứ 6 ban tặng ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 tức đời vua Nguyễn Duy Tân năm 1909. Đạo sắc thứ 7 ban tặng ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 tức đời vua Nguyễn Hoằng Tông năm 1924. Đây là những văn bản truyền mệnh lệnh của nhà vua phong cho các vị Thần thờ ở đình, đền Trâu Lỗ có nhiều công với dân với nước. Ngoài các đạo sắc phong nói trên, đình Trâu Lỗ còn lưu giữ được 12 tấm bia đá được đặt ở hai đầu hồi của đình. Phần lớn các bia đá có nội dung ghi về việc lập Hậu Thần ở đình trong đó đáng lưu ý là tấm bia ghi việc “Sáng lập Hậu Thần” tạo dựng năm Đức Nguyên thứ 2 tức đời vua Lê Gia Tông năm 1675 ghi việc lập Hậu Thần trong đó có ghi về việc tu sửa xây dựng đình. Các tài liệu hiện vật khác có giá trị như bộ ngai thờ, bài vị thời Lê thế kỷ XVII-XVIII, bộ kiệu bát cống, giá đài, bàn đài, bảng văn, đài thờ, thượng cân, bộ kiệu bát cống .....

Xuân thu nhị kỳ, một năm làng Trâu lỗ có hai sự lệ chínhdiễn ra tại đình và đền vào các ngày 4 tháng Giêng và ngày 15 tháng 9 âm lịch. Đây là hai ngày đại lệ còn gọi là lễ Đại Kỳ Phước. Ngoài ra còn các sự lệ khác diễn ra vào các ngày 7 tháng Giêng lệ cúng Thánh sư,ngày 1 tháng 2 tế Thần, cúng Hậu Thần Hậu Phật. Ngày 16 tháng 2 lễ tế Thánh và cũng là ngày tế Tư văn. Ngày 15 tháng 5 lễ xuống đồng. Ngày 15 tháng 7 lễ lên đồng. Ngày 15 tháng 8 lễ cơm mới. Ngày 16 tháng 8 tế Tư văn. Các định lệ này đều do các giáp của làng thực hiện và duy trì. Làng Trâu Lỗ xưa có bốn giáp Nam, Bắc, Sổ, Lãi. Vào ngày lệ làng sẽ có một giáp đứng lên đăng cai lo việc làng. Ngày đại lễ dân làng Trâu Lỗ tổ chức rước kiệu, bài vị, ngai nhà Thánh từ đình ra đền để làm lễ mộc dục. Kiệu được đóng tại sân đền, dùng nước thơm bao sái ngai và bài vị tượng Thành hoàng, rồi sau đó dân làng tổ chức tế lễ ở đền. Đến ngày 12/9 làng lại tổ chức rước về đình làm lễ hoàn cung và để vui hội. Lệ ngày 4 tháng Giêng có đánh mốc, kéo dây. Theo các cụ địa phương đánh mốc là trò có ý nghĩa như một hình thức động thổ. Vào ngày 1 tháng 2 ở Trâu Lỗ còn có lệ trọng xuân, các giáp cho giã bánh dầy gọi là chuẩn bị lương thực cho nhà Thánh đi trận. Mỗi giáp 8 cái, 4 giáp gồm 32 cái to khoảng 20 cm đem ra đình tế lễ. Lệ Đại Kỳ Phước của Trâu Lỗ tổ chức vào ngày 11 đến 15 tháng 9. Lệ này được duy trì đã mấy trăm năm trong lịch sử. Trong ngày đại lệ còn có lễ đón dân chạ anh Kim Lũ sang chơi. Mối kết giao này mặn mà, chung thuỷ hiếm có đã tồn tại trên 400 năm. Đã là câu chuyện có thật và đi vào đời sống hàng ngày mà nghe vẫn như ly kỳ đầy tính nhân văn, nghĩa cả.

ĐìnhTrâu Lỗ còn lưu giữ được nhiều vốn di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể quý giá. Lễ hội đình, đền Trâu Lỗ cũng như phong tục tập quán vùng đất con người nơi đây là một kho tàng di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Tục kết chạ mối tình giao ước Kim-Trâu đã hơn 400 năm, một câu chuyện có thật mà cứ ngỡ như mơ chỉ có ở vùng đất địa linh nhân kiệt này. Hình ảnh mái đình đao cong, mái đền cổ kính bên gốc đa làng, soi bóng xuống dòng sông Cầu sẽ còn in đậm sâu trong tâm khảm mỗi con người.

BBT (st)