Truy cập nội dung luôn
Thứ bảy, 11 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12,413
Tổng số trong ngày: 158
Tổng số trong tuần: 47,489
Tổng số trong tháng: 107,040
Tổng số trong năm: 1,103,098
Tổng số truy cập: 17,191,105

Di tích kiến trúc nghệ thuật đình Hương Câu

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đình Hương Câu, xã Hương Lâm là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu còn lại không nhiều ở Hiệp Hòa nói riêngvà tỉnh Bắc Giang nói chung. Ngôi đình được xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 138/QĐ ngày 31 tháng 1 năm 1992 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa,Thể thao &Du lịch). Xét về giá trị kiến trúc nghệ thuật,có lẽ đình Hương Câu chỉ đứng sau đình Lỗ Hạnh “đệ nhất Kinh Bắc”, xã Đông Lỗ cùng huyện.

Ngôi đình tọa lạc ở trung tâm làng nhìn về hướng Tây, phía trước có hồ thủy đình, xa hơn nữa là dòng sông Cầu bao bọc. Hồ thủy đình không chỉ là nơi tụ thủy, mang lại cảnh quan sinh thái mà còn là nơi diễn ra nhiều trò chơi dân gian trong ngày hội đình, đấu vật, đi cầu kiều, hát quan họ trên thuyền….đều diễn ra trên hồ cửa đình. Bên trái phía trước cổng đình, một cái giếng làng còn in bóng nước bên cạnh một góc chợ quê. Giếng làng có từ bao giờ không ai rõ, chỉ biết nhiều thế hệ lớp người ở đây đã rất gắn bó với những kỷ niệm tuổi thơ bên cạnh giếng làng. Một góc chợ quê cũng bày, bán mua đủ thứ món hàng sản vật của làng quê.

Cũng giống như bao ngôi đình khác, cổng đình Hương Câu tạo theo lối nghi môn gồm một cổng chính xây trụ biểu có cạnh hình vuông, thân trụ biểu đắp câu đối chữ Hán nội dung ca ngợi cảnh đình và người được thờ trong đình. Đỉnh trụ biểu tạo hình cách điệu mang dáng hình quả dành. Nhiều yếu tố tạo hình, cùng với vốn văn hóa dân gian được phô diễn tại đây. Phần dưới tai trụ biểu tạo các gờ bo đường chỉ, bốn mặt đắp hình tứ linh: Long, ly, quy, phụng, bốn con vật linh mang nhiều ý nghĩa trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Đình Hương Câu có tổng diện tích: 8.971m2 , khu vực nội tự đình 291,60m2. Khuôn viên sân vườn rộng, cây xanh tỏa bóng mát. Nhìn từ xa, mái đình Hương Câu rộng, bè thấp với các đầu đao cong vút ẩn hiện trong vòm cây lá xanh tươi của làng xóm, cũng dễ nhận ra đó là một ngôi đình cổ. Ngôi đình có kiến trúc rất độc đáo, tòa đại đình trông giống như một chiếc long đình, xung quanh có hệ thống song gỗ rất thoáng đãng, hệ mái với bốn đầu đao cong. Hai mặt mái chính và hai mặt mái bên đều lợp ngói mũi hài. Bờ nóc xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng nối hai đầu kìm nóc. Đầu kìm nóc tạo cách điệu hình đầu rồng đang há miệng ngậm chọn lấy bờ nóc. Phần đuôi rồng là một dải mảnh uốn cong tựa như vành trăng lưỡi liềm. Ngoài yếu tố tạo hình mỹ thuật, nó còn mang yếu tố đối đãi âm dương. Cha ông ta đã gửi gắm vào đó những kinh nghiệm dân gian quý báu. Con rồng là biểu tượng của vương quyền vừa là biểu tượng của mây mưa. Vành trăng lưỡi liềm cũng là biểu tượng của mưa. Đầu rồng ngậm chọn lấy bờ nóc dễ hình dung về hình tượng rồng hý thủy, đang phun nước. Và như thế sẽ tránh được hỏa hoạn xảy ra. Xét về góc độ khoa học cũng rất hợp lý, về kinh nghiệm dân gian sẽ làm cho mọi người luôn ý thức về thủy, hỏa trong đời sống. Bờ dải cũng xây tạo dải hoa chanh bắt tới khúc nguỷnh để nối với bờ guột. Khúc nguỷnh là chỗ đứng của con sô, tạo hình đôi nghê chầu như để kiểm soát tư cách của khách hành hương trước khi vào thăm đình. Bờ guột xây tạo dải hoa chanh chạy thẳng để nối với bốn đầu đao cong. Các góc đầu đao đắp hình rồng phượng cách điệu có dáng vút cong lên, ở bốn góc đầu đao đều có hình đầu rồng hý thủy như đang phun nước trên bờ guột. Bốn góc đầu đao cong vút không chỉ mang yếu tố đối đãi âm dương mà còn tạo cho ngôi đình thêm thanh thoát mềm mại. Sự tài khéo của người thợ nề thicông đình Hương Câu, họ đã đắp các bờ dải hoa chanh cứng rắn, chắc khỏe nhưng rất thanh thoát đồng thời tạo bốn góc đầu đao cong đắp các cạnh bờ dải tạo cho mái đình bay bổng mềm mại. Tòa đại đình có 3 gian, 2 chái được dựng trên nền đất cao, đứng từ xa nhìn các mái đình tạo thành hình như một chiếc thuyền lớn úp xuống bộ khung gỗ vì mái. Hệ mái rộng phẳng, cấu trúc thấp tạo cho độ dốc của mái đình lớn. Ở mặt ngoài dễ dàng quan sát thấy các đầu kẻ hiên chạy xung quanh bốn mái đình với 24 đầu kẻ. Các đầu kẻ mái hiên trước chạm khắc nhiều hơn cả. Hai đầu kẻ gian giữa chạm phủ kín cả hai mặt. Đề tài chính là hình  rồng ổ, rồng mẹ, rồng con, với chi tiết rồng 4 móng, thân hình tròn, mập. Ngoài hình rồng còn có cả hình người, hình linh thú. Đầu kẻ hiên bên trái mặt trong chạm hình rồng, lại có hình bàn tay tiên nữ với các ngón tay thon dài, móng tay dài, đang nắm đao rồng. Gần phía đuôi rồng lại có hình người, mình trần, lưng thắt đai, đóng khố đang trong tư thế nằm trên sập gỗ, một tay trống gối đầu, tay kia để trên đầu gối, chân vắt chữ ngũ trông rất thoải mái, ngộ nghĩnh, mặt người được diễn tả chi tiết và toát ra một tình cảm rất hồ hởi và gần gũi. Đầu kẻ hiên bên phải cũng được chạm phủ kín với đề tài chính là hình rồng với chi tiết rồng 4 móng, một phần góc của đầu kẻ có cả hình linh thú rất ngộ nghĩnh. Hai đầu kẻ kế tiếp bên cũng được chạm dày đề tài hình rồng, đao mác và vân mây. Các đầu kẻ còn lại chạy xung quanh 4 mái đình được chạm khắc nhẹ và thưa hơn các đầu kẻ hiên mái trước. Đề tài chạm khắc chủ yếu là hình rồng mẹ, rồng con, hình đao mác, vân mây, rồng mẹ luôn há miệng ngậm lấy tàu mái.Nét chạm khắc với các đường khối tròn, mập, đao mác tù mang phong cách thời Lê (thế kỷ XVIII). Khác với nhiều ngôi đình cùng thời kỳ, nghệ thuật chạm khắc ở đình Hương Câu là các hình khối chạm khắc rất lớn và kỹ lưỡng có giá trị nghệ thuât. Đình Hương Câu có kiểu thức kiến trúc khá độc đáo so với các ngôi đình ở nhiều làng quê Bắc Bộ. Phần hậu cung (chuôi vồ) không nhô ra phía sau mà chỉ là nửa gian giữa mái sau được tôn cao khép kín đáo bởi những tấm ván bưng. Trên phần sàn gỗ ghép ván bưng này là Thánh cung được đặt ngai thờ, bài vị, bát hương thờ Thành Hoàng làng. Phần Thánh cung luôn được đóng kín cửa chỉ khi có sự lệ mới được mở để bao sái ngai thờ, bài vị và sắp đặt đồ lễ. Các cụ cao niên kể lại: “Đình Hương Câu do hai hiệp thợ cùng làm, mỗi hiệp thợ đảm nhận một nửa. Bí quyết và kỹ thuật khác nhau nhưng thời gian thi công như nhau vậy mà khi dựng lên các cấu kiện kiến trúc ăn khớp nhau lớp nào vào lớp ấy, mộng nào vào mộng ấy”. Lòng đình Hương Câu rộng, cao với 6 hàng chân cột, mỗi hàng có 8 cột được liên kết bởi hệ thống hoành, xà ngang, xà dọc tạo vì mái. Hệ thống các cột cái to, đường kính trung bình 30-35cm. Trừ gian giữa không có ván sàn, còn các gian bên cạnh thông qua các lỗ mộng cách chân cột 70cm cho thấy vốn trước đây đình có ván sàn đầy đủ. Phần liên kết khung vì mái tòa đại đình ở 4 vì giống nhau kiểu vì trụ chồng nóc, kèo chồng tam ở các vì nách. Dưới các câu đầu thuộc ba gian chính là các đầu dư gồm 8 đầu dư được nhô ra từ các đầu cột. Các đầu kẻ nghé cũng tạo hình đầu rồng được nhô ra từ các mõm kẻ. Những đầu dư này không chỉ là đầu rồng chạm lộng như nhiều đình khác mà nó có sự sáng tạo phong phú đa dạng. Cùng một phong cách nhưng nghệ thuật chạm khắc dễ nhận thấy sự khác nhau bởi sự sáng tạo của hai hiệp thợ. Cũng là chạm hình đầu rồng với chi tiết rồng tai đôi, bốn móng, râu dài lưỡi mác tù, râu dài bắt chéo vặn xoắn nhưng đường nét khác nhau thể hiện tài nghệ của người thợ dựng đình. Có thể coi họ là những nghệ nhân, nghệ sỹ dân gian tài hoa và đó cũng là nét đặc sắc riêng của đình Hương Câu.

Trên câu đầu, thượng lương của đình Hương Câu không giống với nhiều ngôi đình khác ở chỗ không ghi khắc niên đại xây dựng hay tu bổ nên khó đoán định được niên đại dựng đình. Nhưng căn cứ vào nội dung bia đá dựng năm 1740 và phong cách nghệ thuật kiến trúc của đình có thể đoán định đình Hương Câu được xây dựng vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Nghệ thuật chạm khắc đình Hương Câu còn thể hiện trên các bức cốn ở vì nách ở các vì gian giữa trung tâm mặt mái trước. Các mảng cốn nách là những con rường được xếp chồng khít lên nhau mà tạo thành, nhìn mặt ngoài chạm khắc thì khó phân biệt được đó là những con rường. Mảng cốn nách ngang bên trái, trung tâm của bức cốn là hình chạm rồng theo bố cục hai chiều, lại có cả hình người, tiên cưỡi rồng. Trên bức cốn ngang thuộc gian giữa là 6 hình người phụ nữ cưỡi trên lưng rồng dang tay ra như đang múa. Cũng ở bức cốn đó lại có chỗ thể hiện một cặp nam nữ đang đùa nhau. Người đàn ông quay tay ngang hông người con gái, còn người con gái e thẹn đẩy người con trai ra nhưng một tay kia lại níu kéo cánh tay của chàng lại như lưu luyến giữ lại không muốn dời xa. Lại có ý kiến nhận xét khác, đây là cảnh trai gái tình tứ đùa giỡn giữa cảnh “tứ linh, tứ quý”. Bên cạnh đó lại có người ngồi dưới bờ tre bó gối trầm tư, hay đang nhảy cà tưng vui vẻ. Những bức chạm gửi gắm tâm tư tình cảm của người nông dân về đời sống khát vọng tự do. Nhiều ý tưởng sáng tạo, tư duy phá cách thể hiện ước vọng khát khao tự do bình đẳng mạnh mẽ của người dân lao động. Mảng cốn nách ngang đối diện bên phải cũng được chạm phủ kín hình rồng và tiên cưỡi rồng. Khác với nhiều ngôi đình thường có các cốn ngang trên xà đùi và được trang trí nhưng ở đây không trang trí dày đặc và các gian bên cũng rất đơn giản. Chính sự đơn giản ấy làm tôn lên vẻ đẹp của các bức chạm gian trung tâm làm cho người xem phải tập trung vào các bức chạm đẹp nổi cao. Nghệ thuật chạm nổi, chạm kênh bong kết hợp đường nét chạm điêu luyện, tinh tế, sắc sảo có giá trị nghệ thuật cao. Hình tượng cơ bản của họa tiết hoa văn trên đình Hương Câu là rồng, mây. Con rồng được thể hiện những nét cơ bản của thời Lê có đầu trán gồ như quả na, mắt lồi to, mồm bành rộng ngậm viên ngọc, râu kép xoắn 2 lần và mây lửa hình lưỡi mác. Rồng không chạm đơn mà thường được chạm từ hai đến bốn năm con, hoặc rồng ổ, rồng mẹ, rồng con, rồng mẹ lúc hiện chỉ một khuôn mặt rõ rệt, lúc hiện toàn thân uốn lượn. Rồng con thường bám vào các râu và bờm rồng mẹ hiện ra rất linh hoạt và sống động. Toàn bộ những hình, mảng chạm khắc trang trí ở bên trong, bên ngoài đình đều thống nhất một phong cách, một tiếng nói tạo hình của nét kiến trúc cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Đây cũng là giai đoạn phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc dân gian Việt Nam. Nếu như ở một số đình khác ở làng quê Bắc Bộ, mới chớm sang thế kỷ XVIII, các mảng chạm khắc hình ảnh con người đã vắng bóng, nét dân gian chỉ còn ở các con vật gần gũi người lao động thì đình Hương Câu vẫn giữ được đầy đủ hình ảnh con người và con vật rất gần gũi, giữ được thẩm mỹ, ý thích và tình cảm của người lao động. Cảnh trai gái tình tứ bên cạnh cảnh “tứ linh, tứ quý”. Nghệ thuật mang tính chất cung đình ở đây rất xa lạ và thô cứng. Ít thấy những hình hổ phù dữ tợn, hay hình tứ linh, tứ quý một cách dập khuôn mà thay vào đó là những hình ảnh rất đời thường, gần gũi mà tràn đầy sức sống dân gian.

Người được thờ ở đình Hương Câu là Đương Giang hiển Thánh Đại vương cùng ba vị Thánh khác âm phù cho Đương Giang đánh giặc Tống xâm lược ở thế kỷ XI là: Hồng Thánh linh thông Đại vương, Huyền Thánh cảm ứng Đại vương, Linh Quang hiển hựu Đại vương. Trong đình còn lưu giữ được bản thần tích, sắc phong của các triều đại phong kiến phong tặng cho vị Thánh thờ ở đình. Nội dung bản thần tích nói về bốn vị Thần được thờ ở đình gồm một vị nhân thần và ba vị thiên thần. Bản thần tích cũng nói về các đạo sắc phong ở các đời phong cho vị Thần  thờ trong đình Hương Câu và các tục lệ của địa phương. Ngoài giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu, đình Hương Câu còn có giá trị lịch sử văn hóa quý giá. Trong đình bảo lưu nhiều di vật, cổ vật, đồ thờ tự có giá trị. Tiêu biểu nhất là các cổ vật bằng giấy, với 11 đạo sắc phong thời Nguyễn ban tặng cho các vị thần thờ ở đình. Các hiện vật khác có giá trị như hai quán tẩy, bát hương cổ, kiệu bát cống, bát bửu, chấp kích, quả cầu gỗ, kiếm thờ …đó là những hiện vật, tài liệu khoa học quý giá giúp cho việc nghiên cứu lịch sử văn hóa dân tộc.

Xuân thu nhị kỳ, một năm làng Hương Câu có hai sự lệ chính được tổ chức tại đình làng ngày mùng 5, 6 tháng Giêng và ngày 12 tháng 9. Lễ hội chính là vào đầu xuân đây là dịp để nhân dân bày tỏ lòng thành kính đối với người có công với dân với nước là các vị Thần được thờ ở đình. Lễ hội đình Hương Câu xưa được tổ chức theo quy mô nghi thức quốc gia được ghi rõ trong thần tích của làng. Các giáp trong làng theo thứ tự từng năm được phân công đứng lên đăng cai lo việc làng. Theo quy định mỗi giáp phải sắm một mâm cỗ mặn. Giáp đăng cai lo việc làng phải sắm một mâm cỗ chay dâng lên cúng Thành Hoàng. Cỗ tế đình phải có 432 quả bánh dầy, mỗi quả bánh dầy nặng một cân. Buổi sáng dân làng tập trung tại cửa đình rước kiệu, ngai thờ, bài vị về nghè sắc sau đó rước sắc và rước bài vị về chùa rồi lại rước hồi cung về đình. Tại sân đình nghi lễ tế Thánh được diễn ra khoảng hai tiếng. Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian tiêu biểu như: tục kéo lửa, đi chữ, kéo chữ “Phúc” chữ “Đức”, thi cướp cầu, thi kéo lửa thổi cơm, gói bánh chưng, bánh dày, đấu vật, hát chèo, hát ví, hát ca trù, hát trống quân tại ngay sân đình ….Kéo lửa là một tập tục rất cổ xưa ở Hương Lâm. Kéo lửa phải dùng một chiếc lạt giang kéo vào tinh cây tre khô, gần đó để phôi tre cho dễ bắt lửa. Tục kéo lửa phản ánh cuộc sống rất xưa của người Việt nói lên sự sáng tạo trong lao động sản xuất. Phương thức lấy lửa ở Hương Câu là yếu tố xác định vùng đất này là nơi cư trú rất sớm của người Việt cổ xưa. Trong ngày hội làng Hương Câu còn có tục bốn quân của bốn giáp trong làng thi mò cá. Khi có trống hiệu lệnh bốn quân cùng xuống hồ đình mò cá sau đó nướng chín để thờ thành hoàng. Ai làm nhanh và mò được nhiều cá là thắng cuộc.

Đình Hương Câu với giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu có thể sánh vai với các ngôi đình nổi tiếng khác ở Kinh Bắc như đình Lỗ Hạnh cùng huyện; đình Phù Lão, huyện Lạng Giang; đình Thổ Hà, huyện Việt Yên; đình Hồi Quan, đình Diềm ở Bắc Ninh….Bên cạnh giá trị kiến trúc nghệ thuật, đình Hương Câu còn có giá trị lịch sử văn hóa, là nơi lưu giữ vốn di sản văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc. Lễ hội đình Hương Câu cũng như phong tục tập quán vùng đất, con người nơi đây là một kho tàng di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Hình ảnh mái đình đao cong bên gốc đa giếng nước của làng Hương Câu sẽ còn in đậm sâu trong tâm khảm mỗi người dân và khách thập phương. Đình Hương Câu không chỉ là niềm tự hào lớn mà nó còn nuôi dưỡng tâm hồn cho những người con trên quê hương Kinh Bắc- Bắc Giang.

BBT (st)