Truy cập nội dung luôn
Thứ bảy, 11 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 10,683
Tổng số trong ngày: 485
Tổng số trong tuần: 47,816
Tổng số trong tháng: 107,367
Tổng số trong năm: 1,103,425
Tổng số truy cập: 17,191,432

Chùa Đông Lâm – ngôi chùa cổ trên vùng đất Hiệp Hòa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đông Lâm là một vùng bán sơn địa, đồng ruộng, đầm hồ, gò đồi…xen cài lẫn nhau, nằm gần kề sông Cầu, vùng đất có độ nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, bởi vậy, các nguồn nước chính của sông lạch, trong đầm hồ đều có xu thế đổ nước ra sông Cầu. Cũng giống như ở Lý Viên, xã Bắc Lý, huyện Hiệp Hòa, khu di chỉ khảo cổ học Đông Lâm cũng là một trong những di tích tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Các hiện vật cổ nhất của huyện Hiệp Hòa được tìm thấy tại Đông Lâm là những chiếc trống đồng có niên đại hàng ngàn năm lịch sử. Trống đồng Đông Lâm gần giống trống đồng Ngọc Lũ và được coi là một di sản đặc sắc và tiêu biểu của nền văn hóa Đông Sơn cách ngày nay trên 2.300 năm. Khu di chỉ khảo cổ học Đông Lâm được phát hiện trong khu vực di tích chùa Đông Lâm, khai quật lần 1 vào năm 1968 và khai quật lần thứ 2 vào năm 2002. Chùa Đông Lâm là di tích cổ kính, tương truyền là những di tích cổ nhất trong vùng, có qui mô hoành tráng. Từ thành phố Bắc Giang theo đường Quốc lộ 1A cũ tuyến Bắc Giang – Hà Nội đến ngã tư Đình Trám khoảng 10km, rẽ phải theo đường quốc lộ 37 Đình Trám – Phố Thắng 17km, rẽ trái đi tiếp theo đường 295 từ Thắng xuôi bến phà Đông Xuyên 12km đến ngã ba thôn Nga Trại rẽ phải đường đi Hương Lâm khoảng 1km là tới di tích. Chùa Đông Lâm cách thành phố Bắc Giang khoảng 39km về phía Tây Bắc.

Chùa Đông Lâm còn có tên chữ là Linh Sơn tự, tọa lạc trên một khu đất rộng rãi, thoáng đãng rộng hơn hai mẫu, được trùng tu vào đầu thế kỷ XVII với một quần thể kiến trúc liên hoàn gồm tòa tiền đường 5 gian 2 chái, toà thượng điện 3 gian và 3 gian nhà mẫu, 8 gian nhà tổ, 3 gian nhà trai, tam quan 3 gian cùng các công trình phụ khác…cũng đủ nói lên qui mô bề thế của ngôi cổ tự.

Trước chùa Đông Lâm có một tam quan đẹp, bên cạnh tam quan có một mô đất nổi hình mâm xôi, nay vẫn còn dấu tích của một tam quan cổ xưa, trước sân chùa là một ngôi tháp cổ và cây hương đá cũ được tạo tác đẹp, căn cứ vào nội dung văn tự Hán – Nôm khắc trên cây hương đá cổ này được biết, chùa Linh Sơn được trùng tu lớn vào năm Chính Hòa thứ 25 – (năm 1704). Chùa Linh Sơn có bình đồ kiến trúc hình chữ đinh (J), gồm tòa tiền đường 5 gian 2 chái, các vì mái và bộ khung kiến trúc được làm bằng gỗ lim chắc khoẻ, liên kết các vì mái theo kiểu thượng con chồng giá chiêng, hạ kẻ chàng, bên trong hệ thống tượng Phật 40 pho được bài trí từ thượng điện xuống tiền đường theo qui chuẩn, bờ nóc và bờ dải có gắn đường hoa chanh đẹp, chính giữa đắp nổi bức đại tự “Linh Sơn tự”, sau chùa có hai dãy hành lang mỗi dãy 4 gian làm nơi khách thập phương lễ Phật nghỉ ngơi và cũng là nơi chuẩn bị cỗ bàn khi làng mở hội.

Chùa Đông Lâm là nơi cửa Phật cũng giống như nhiều ngôi chùa khác trong huyện và trong tỉnh, di tích chùa Đông Lâm có nhiều đóng góp cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Đông Lâm đã ủng hộ quả chuông đồng để đúc đạn cho bộ đội đánh giặc, chùa Đông Lâm là nơi che giấu và tiếp nhận thương binh sau trận đánh đền Vường, Châu Minh, huyện Hiệp Hòa về đây cứu chữa và dưỡng thương. Nhân dân và du kích địa phương còn giúp bộ đội đào hàng trăm mét hầm hào xung quanh chùa Đông Lâm để chiến đấu chống quân Pháp, hiện nay xung quanh khu vực chùa Đông Lâm vẫn còn nhiều dấu tích của hệ thống hầm hào xưa.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa Đông Lâm là nơi cất giấu vũ khí, đạn dược của một đơn vị không quân trong thời kỳ 1966 – 1967. Năm 1972, Trường Đại học Y cũng về chùa Đông Lâm sơ tán và coi đây như một nơi cất giấu thuốc men. Ngoài ra, chùa Đông Lâm là địa điểm mở lớp để chuyên gia Liên Xô giảng bài về sử dụng vũ khí chiến tranh cho quân đội ta…

Với giá trị tiêu biểu như trên, chùa Đông Lâm được UBND tỉnh Bắc Giang ra Quyết định số 86/QĐ-CT, ngày 30 tháng 01 năm 2004 xếp hạng là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.

BBT (sưu tầm)