Truy cập nội dung luôn
Chủ nhật, 12 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,143
Tổng số trong ngày: 1,947
Tổng số trong tuần: 1,946
Tổng số trong tháng: 117,778
Tổng số trong năm: 1,113,836
Tổng số truy cập: 17,201,843

Các di tích lịch sử an toàn khu II được nhà nước công nhận trên quyê hương Hiệp Hòa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Để sống lại những kí ức hào hùng một thời đã diễn ra trên mảnh đất cách mạng Hiệp Hoà, chúng ta cùng tới thăm từng địa điểm, từng di tích lịch sử - cách mạng, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu năm 1945.

Hiệp Hòa là một huyện trung du có vị trí địa chính trị quan trọng; cách trung tâm thành phố Bắc Giang khoảng 30km phía Tây–Bắc, cách thủ đô Hà Nội 50 km. Phía Đông Bắc giáp huyện Tân Yên, phía Đông giáp huyện Việt Yên, phía Nam giáp huyện Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh, phía Tây Nam giáp huyện Sóc Sơn của Hà Nội, phía Tây Bắc giáp các huyện Phổ Yên và Phú Bình của tỉnh Thái Nguyên. Với vị trí địa lý như vậy, Hiệp Hòa nằm trong khu đệm và là cửa ngõ, phên dậu án ngữ hai vùng chiến lược trọng yếu giữa châu thổ sông Hồng với vùng rừng núi Việt Bắc rộng lớn. 

Có vị trí địa lý thuận lợi và là nơi các cơ sở cách mạng phát triển không ngừng nên từ đầu năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương đã tiến hành xây dựng An toàn khu II của Trung ương Đảng trên địa bàn các xã giáp ranh 3 huyện Hiệp Hoà (tỉnh Bắc Giang), Phổ Yên và Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên). Trên địa bàn huyện Hiệp Hoà, An toàn khu II của Trung ương Đảng gồm 16 xã:  Đồng Tân, Thanh Vân, Hoàng Lương, Hoàng Thanh, Hoàng Vân, Hoàng An, Thái Sơn, Hòa Sơn, Quang Minh, Hùng Sơn, Đại Thành, Hợp Thịnh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Hương Lâm và Mai Đình. Ghi nhận những công lao đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Hiệp Hòa trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trên địa bàn các xã An toàn khu II, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã xếp hạng 4 di tích và nhà của 3 gia đình là Di tích lịch sử ATK II (QĐ số 2754/QĐ-BVH, ngày 15/10/1994) cần được bảo vệ, trùng tu nhằm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay.

Để sống lại những kí ức hào hùng một thời đã diễn ra trên mảnh đất cách mạng Hiệp Hoà, chúng ta cùng tới thăm từng địa điểm, từng di tích lịch sử - cách mạng, nơi diễn ra những sự kiện quan trọng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám mùa thu năm 1945.

1. Đình Chợ Vân, thôn Hoàng Liên, xã Hoàng An, huyện Hiệp Hoà - nơi diễn ra các cuộc mít tinh lớn thời kỳ tiền khởi nghĩa (1945).

Đình Chợ Vân tọa lạc trên một khu đất rộng, phía trước đình là khu chợ Vân đông đúc nhộn nhịp mỗi khi vào phiên chợ. Ngôi đình đẹp ở kiến trúc cổ kính, đẹp bởi không gian sinh hoạt cộng đồng của cư dân nơi đây và hơn nữa ngôi đình đẹp bởi trong mình nó mang nhiều dấu tích về thời hào hùng của dân tộc ta. Thời kỳ những năm 1944-1945, đình Chợ Vân là địa điểm quan trọng của An toàn khu II. Cũng chính nơi đây đồng chí đặc phái viên chính trị Lê Thanh Nghị và đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Bắc Giang Nguyễn Trọng Tỉnh đã mở cuộc tuyên truyền xung phong vào ngày 15-03-1945 - ngày có phiên chợ. Tiếp đó ngày 16 tháng 03 năm 1945, cũng tại ngôi đình này một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức. Tham dự cuộc mít tinh có hàng ngàn tự vệ và quần chúng thuộc hai tổng Ngọc Vân và Ngọc Thành cùng ấp Ba Huyện. Những người dự mít tinh rất phấn khởi khi nghe các chủ trương mới của Đảng, đặc biệt là chủ trương “phá kho thóc giải quyết nạn đói”. Sau cuộc mít tinh, tự vệ chiến đấu và nông dân kéo đi phá kho thóc của đồn điền Cọ, suốt đêm ấy, bà con hăng hái giành lại được khá nhiều thóc, gạo trong lúc nạn đói đang đe dọa gay gắt.

Khu đình Chợ Vân nay đã trở thành di tích lịch sử- cách mạng, trên đó xây dựng nhà trưng bày lưu niệm ATKII Hiệp Hoà - trưng bày các tài liệu, hiện vật, hình ảnh tiêu biểu liên quan đến phong trào cách mạng ở địa phương thời kỳ tiền khởi nghĩa. Đây là một trong những địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng.

2. Đình Vân Xuyên, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa nơi mít tinh, tập trung lực lượng quần chúng đi khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện Hiệp Hoà (1945).

Vân Xuyên là một làng cổ có 3 mặt giáp sông Cầu quanh năm “nước chảy lơ thơ”. Đến trung tâm làng (xóm Trung) ta thấy ngay một ngôi đình rêu phong cổ kính, cổ thụ rườm rà với cổng tam môn của đìnhđồng trụ vút cao, ao đình hoa súng, hoa sen ngan ngát, bốn mái đình xoè rộng, bốn đao đình cong vút, ngạo nghễ, uy nghiêm với một con đường làng chạy qua cửa đình, nối liền các xóm (Di tích Bắc Giang, Bảo tàng Bắc Giang, năm 2001, trang 207). Không chỉ là một ngôi đình cổ, được xây dựng từ thời Lê tôn thờ Đức thánh Cao Sơn - Quý Minh và Đức thánh Tam Giang. Đình Vân Xuyên còn nổi bật bởi những chứng tích lịch sử ghi nhận những đóng góp to lớn và sự hi sinh quên mình của người dân nơi đây với Đảng, với cách mạng trong những năm tháng tiền khởi nghĩa.

Một trong những sự kiện quan trọng không thể quên được tại ngôi đình làng vào ngày 1 tháng 6 năm 1945, tự vệ Hoàng Vân và Vân Xuyên cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bắc Giang đã tập trung ở đình Vân Xuyên tiến vào cướp chính quyền ở huyện Hiệp Hoà thắng lợi, đưa huyện Hiệp Hòa trở thành huyện được giải phóng sớm nhất trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

3. Đền Soi, thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà đã trở thành địa điểm huấn luyện quân sự của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Đền Soi nằm trên một bãi soi giáp mép nước sông Cầu, cây cối ngút ngàn, đất bãi bồi bằng phẳng, rộng rãi, hai mặt giáp sông, ngôi đền Soi thôn Vân Xuyên rất thuận tiện cho việc tập trung đông người và có khả năng quan sát địch từ xa, vận động nhanh, bí mật, an toàn. Cũng chính vì thế mà Trung ương Đảng và xứ uỷ Bắc Kỳ cùng Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã chọn nơi đây làm địa điểm mở các lớp quân chính đầu tiên của Đảng vào cuối năm 1940.

Bên cạnh giá trị là một công trình tín ngưỡng của nhân dân Vân Xuyên, đền Soi Vân Xuyên còn là địa điểm tổ chức nhiều cuộc huấn luyện chính trị và quân sự cho cán bộ quân sự các tỉnh chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Những lớp huấn luyện chính trị và quân sự ngắn ngày do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giảng dạy.

4. Đình Xuân Biều địa điểm mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám.

Đình Xuân Biều thuộc thôn Xuân Biều, xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Trong những năm tháng sục sôi đấu tranh cách mạng, đình Xuân Biều là nơi diễn ra một sự kiện lịch sử quan trọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Bắc Giang nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Đây là nơi diễn ra cuộc mít tinh và khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở tỉnh ta và trong toàn quốc (vào ngày 12 tháng 3 năm 1945). Sự kiện trọng đại này được ghi vào lịch sử Việt Nam, của Đảng bộ huyện Hiệp Hoà. Đó là kết quả của sự lãnh đạo kịp thời, sáng suốt của Đảng ta. Đồng thời thể hiện truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng kiên cường của nhân dân Xuân Biều.

5. Nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông), xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa

Ngoài những ngôi đình, ngôi đền trong làng là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, những gia đình nơi đây cũng có những đóng góp quan trọng, trở thành những cơ sở cách mạng tin cậy của Đảng và Trung ương. Tiêu biểu là nhà cụ Ngô Văn Đông (Lý Đông) - địa điểm mở Hội nghị quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945.

Trong khi hoạt động quân sự và cao trào kháng Nhật cứu nước đang sôi nổi, huyện Hiệp Hoà được Trung ương Đảng chọn làm nơi họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ. Hội nghị do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập, họp từ ngày 15 đến ngày 20 tháng 4 năm 1945 tại nhà cụ Ngô Văn Đông (còn gọi là Lý Đông), làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân,huyện Hiệp Hoà, trong khu An toàn dự bị của Trung ương Đảng.

Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ là một Hội nghị quân sự lớn đầu tiên của Đảng ta do Ban Thường vụ Trung ương Đảng triệu tập. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Chu Văn Tấn, đồng chí Văn Tiến Dũng; các cán bộ lãnh đạo các chiến khu, cán bộ xây dựng kinh tế, hậu cần cho quân đội như đồng chí Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh, Bạch Thành Phong và các đại biểu du kích, tự vệ ở nhiều địa phương khác về dự.Hội nghị đã quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân, phát triển các đội tự vệ vũ trang và tự vệ chiến đấu, mở trường đào tạo cấp tốc cán bộ quân sự, chính trị và xây dựng 7 chiến khu lớn trong cả nước, gồm 4 chiến khu ở Bắc bộ, 2 ở Trung bộ, 1 ở Nam bộ (Năm mươi năm hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam, NXB Sự thật Hà Nội, năm 1979, trang 79). Đây là một Hội nghị đặc biệt quan trọngtrong tiến trình Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Tại Hội nghị này Trung ương đã đặt nhiệm vụ quân sự vào vị trí quan trọng đặc biệt, cấp thiết để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong phạm vi cả nước.

6. Nhà cụ Ngô Văn Thấu (Đồ Ba), xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa.

Nhà cụ Ngô Văn Thấu (Đồ Ba) đã rất tự hào trở thành cơ sở cách mạng đầu tiên của An toàn khu II Hiệp Hoà.

Gia đình cụ Ngô Văn Thấu (hay còn gọi là Đồ Ba) là một gia đình nhà nho, có tâm huyết, nhiệt tình yêu nước. Gia đình cụ ở trung tâm làng Vân Xuyên nơi có vị trí vừa đảm bảo được yếu tố an toàn cho công tác bí mật vừa thuận lợi cho công tác tuyên truyền phát triển các cơ sở cách mạng trong làng, trong tổng và các vùng lân cận. Chính vì thế gia đình cụ đã trở thành cơ sở cách mạng đầu tiên của ATK II của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc Kỳ. Đây là gia đình đầu tiên ở tổng Hoàng Vân có vinh dự được tiếp đón một đồng chí cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng-đồng chí Hoàng Quốc Việt về đây hoạt động từ khi phong trào cách mạng đang ở giai đoạn trứng nước. Ở đây đồng chí được bảo vệ an toàn và chăm sóc chu đáo. Tình cảm của nhân dân Hoàng Vân đối với đồng chí chính là tình cảm của nhân dân Hiệp Hoà đối với Đảng.

7. Nhà cụ Nguyễn Văn Chế (Hựu), xóm Đá thôn Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hoà

Nhà cụ Nguyễn Văn Chế - nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng 11 năm 1942).

Nhà cụ Nguyễn Văn Chế vinh dự được Trung ương Đảng chọn làm nơi mở lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ lãnh đạo ở các tỉnh Bắc Kỳ, do đồng chí Tổng Bí thư Đảng Trường Chinh trực tiếp giảng dạy (ngày 19 - 11-1942).

Khoảng hơn 4 giờ sáng ngày 21-12-1942, mật thám cùng lính huyện Hiệp Hoà bất ngờ ập đến cơ sở. Nhanh chí phát hiện có giặc vây bắt, đồng chí Trường Chinh đã ra sau nhà cụ Chế, vượt rào theo luỹ tre ra Soi Quýt, định vượt sông Cầu sang cơ sở bên xã Tiên Thù (Phổ Yên- Thái Nguyên). Đến bến sông, đồng chí đã được cha con ông lão đánh cá dùng thuyền chở nhanh ra khỏi vùng địch vây ráp, khủng bố. Hai bố con ông lão đánh cá đó là ông Hương Lịnh và cô con gái nhỏ (12 tuổi), tên Vịnh. Xóm Đá Vân Xuyên trở thành Xóm Đỏ. Một danh hiệu cao quý các đồng chí lãnh đạo và cán bộ cách mạng hoạt động bí mật ở đây phong tặng cho xóm. Nhân dân Vân Xuyên đã làm rạng ngời truyền thống bất khuất, trung kiên, hi sinh mình để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Cũng chính từ đây, xóm Đá, Vân Xuyên đã là địa chỉ cách mạng tin cậy của Đảng và Trung ương.

Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Giang nói chung và Đảng bộ, nhân dân huyện Hiệp Hoà nói riêng luôn tự hào về quê hương mình, quê hương của những căn cứ địa quan trọng, nơi có những con người hiền hậu, trong gian khó đã không quản ngại hi sinh, một lòng, một dạ giúp đỡ, chở che cho cách mạng. Chính những chủ nhân của mảnh đất này cùng với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta đã cùng với nhân dân cả nước làm nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945. Cuộc cách mạng đã đưa nước ta trở thành một nước độc lập tự do, nhân dân ta trở thành những người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, Đảng ta trở thành một Đảng cầm quyền.

Phương Nhung (st)