Truy cập nội dung luôn
Chủ nhật, 12 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6,044
Tổng số trong ngày: 2,397
Tổng số trong tuần: 2,396
Tổng số trong tháng: 118,228
Tổng số trong năm: 1,114,286
Tổng số truy cập: 17,202,293

Các di tích- danh thắng thăm quan du lịch ở Hiệp Hòa

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Các địa điểm thăm quan du lịch ở Hiệp Hòa

Toàn bộ tỉnh Hà Bắc cũ (Bắc Ninh và Bắc Giang) có 20 di tích được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng thì Hiệp Hòa có 3 di tích (xếp thứ ba): Lăng Dinh Hương, Lăng Họ Ngọ, Lăng Đá Bầu; có 11 di tích do tỉnh xếp hạng thì Hiệp Hòa có 2 (xếp thứ nhất): đình Chợ Vân và Đình Lỗ Hạnh. Nếu tính cả di tích kiến trúc và di tích lịch sử Cách mạng thì Hiệp Hòa có 17 di tích (xếp thứ hai sau Tiên Sơn có 23 di tích).

1. Núi IA (còn gọi là Y Sơn, núi Hia, núi Thù Sơn) nằm ở phía tây - tây bắc Hiệp Hòa gồm hai ngọn, cao khoảng 100 mét so với mặt nước biển, giáp với sông Cầu, là mái nhà của Hiệp Hòa, là nơi có phong cảnh đẹp nhất huyện, một danh lam có tiếng vào thời Lê, Nhà Lê từng dựng hành cung ở đây. Phía tây núi có Chùa IA (Tây môn tự), thiết kế theo kiểu tiền Phật, hậu Thánh - nơi thờ ông bà Hùng Nhạc. Phía đông núi là Đền IA (Đông môn tự) thờ Thánh Hùng Linh Công, đền thuộc làng Thù Sơn, xã Hòa Sơn. Trong đền còn có một câu đối dài mỗi vế 71 chữ tóm tắt sự tích Hùng Linh Công ghi trên hai bức hoành lớn, hai chiếc quạt vua ban với xương quạt làm bằng ngà voi, 21 đạo sắc phong cho Hùng Linh Công của các triều đại. Trên đỉnh ngọn núi cao nhất có Đền thờ sơn thần và Giếng nước tiên.

Cuốn "Ngọc phả quốc lục" về "Linh tích Y Sơn" còn lưu lại tại Đền IA do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ thần Nguyễn Bỉnh phụng soạn năm 1572. Toàn bộ cuốn "Ngọc phả quốc lục" được khắc trên hai mặt bia đá hiện còn dựng trong đền IA, bia dựng năm 1856. Qua ngọc phả, hậu thế được biết Hùng Linh Công thờ ở Đền IA là con cầu tự của ông bà Hùng Nhạc. Hùng Linh Công là tướng thuộc đời Hùng Vương thứ sáu (1718 - 1631 TCN, một chi vua Hùng gồm nhiều đời vua). Ông có công trừ hổ cho dân, cùng với Thánh Gióng đánh tan giặc Ân. Lễ hội chùa IA tổ chức vào ngày 15 - 16 - 17 tháng 1 âm lịch.

Ngày 15 tháng 1 năm 1940 âm lịch, đúng ngày hội chùa IA, chi bộ Hoàng Vân đã tổ chức một buổi diễn thuyết tuyên truyền cách mạng trước đông đảo người đi hội, lần đầu tiên ở Hiệp Hòa cờ đỏ sao vàng tung bay giữa ban ngày.

Ngày 12 tháng 7 năm 1945 Ban cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang tổ chức cuộc mít tinh, tuần hành lớn tại chân núi IA gồm hàng vạn người của ba huyện Hiệp Hòa, Phổ Yên, Phú Bình tham gia. Đây là cuộc tập duyệt cho cuộc tổng khởi nghĩa 19 tháng 8.

Đền Y Sơn được Bộ văn hóa thông tin công nhận di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 372/QD-TT ngày 21/3/1994.

2. Đình Lỗ Hạnh thuộc làng Lỗ Hạnh, xã Đông Lỗ: xây dựng năm 1576, là ngôi đình có niên đại sớm nhất Việt Nam, dòng chữ "Đệ nhất Kinh Bắc" ghi ở trong đình ngay từ khi xây dựng. Bộ tranh "Bát tiên" (8 cô tiên đứng trên đài mây) gồm hai bức thuộc loại hình nghệ thuật sơn mài sớm nhất ở Việt Nam . Các bức trạm cưỡi ngựa, đấu võ, hoa sen, rồng, chim, tiên cưỡi rồng là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc có tiếng. Đình Lỗ Hạnh thờ Thành hoàng Phương Dung công chúa và Cao Sơn đại vương, hai vị thần có công giúp vua Hùng đánh giặc giữ nước. Đình Lỗ Hạnh được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 147/VH-QD ngày 24/12/1982.

3. Lăng Dinh Hương thuộc làng Dinh Hương, xã Đức Thắng, là nơi lưu giữ thi hài quận công La Quý Hầu, được xây dựng năm 1727, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1964. Quần thể lăng đá Dinh Hương chia làm 3 phần chính: phần mộ táng ở giữa, phần thờ tự ở bên trái, phần bia ở bên phải. Phần mộ táng hình vuông, diện tích gần 100m2 với tường vây bằng đá ong. Các hiện vật trong lăng được làm chủ yếu bằng chất liệu đá xanh. Tượng người và vật tại lăng được chạm khắc rất sống động, tượng có kích thước lớn, hình khối mập, chắc và được tỉa công phu.

4. Lăng Họ Ngọ (còn gọi là Linh Quang Từ) ở làng Thái Thọ, xã Thái Sơn: xây dựng năm 1697, trùng tu 1714, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa ngày 13/1/1964, nơi lưu giữ di hài và thờ cúng Phương quận công Ngọ Công Quế. Lăng hình chữ nhật, diện tích 400 m2, các mặt là tường đá ong cao 2.15 m. Hai bên nền khung cửa có trạm nổi hai võ sĩ, rìa cổng có hai con chó đá. Hai bên đường thần đạo là dãy tượng xếp đối xứng gồm voi, võ sĩ dắt ngựa và nghê. Phần mộ ở sau hương án, tường đá bao quanh, khá rộng, có cửa vào và cửa ra. Trước vòm cửa có khắc chữ "Linh Quang Tự", hai bên trạm nổi hai võ sĩ, vào trong là phần mộ Tướng công họ Ngọ, trong phần mộ là nhà bia.

5. Lăng Bầu thuộc làng Bầu xã Xuân Cẩm: xây dựng năm 1597, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1964, còn khá nguyên vẹn, nơi lưu giữ thi hài Quận công Ngô Đình Hoành làm quan võ dưới triều Lê Thần Tông. Trước lăng là hồ nước rộng, có cây quéo cổ thụ. Khu lăng hình chữ nhật, dài 50m rộng 10m. Cổng lăng đồ sộ hai tầng, có hai đôi chó đá ngồi chầu canh, hai bên bờ tường cổng có hai võ sĩ tạc bằng đá xanh đứng áp lưng vào tường. Bên trong lăng dọc theo hai bên đường thần đạo, các di vật đều tạc bằng đá xanh rất tinh xảo, được bố trí từ ngoài vào trong, đối diện nhau qua đường thần đạo như tượng ngựa và quân hầu, tượng voi, võ sĩ. Phần mộ ở cuối lăng chỉ có một lối vào.

Làng Bầu có ngôi đình rất lớn nhưng trong kháng chiến đã bị Pháp đốt cháy, chỉ còn lại chân tảng cột đình bằng đá xanh rất lớn. Vào ngày lễ hội của làng dịp đầu năm mới, làng Bầu có tục thi đọc "Mục lục" rất độc đáo, "Mục lục" là một bài văn dài ca ngợi quê hương do Quan lang trung Hoàng Văn Tán biên soạn vào năm 1532 và hàng năm có bổ sung.

6. Lăng Quận Gió (còn gọi là Lăng họ Trần) nằm ở phía Nam làng Chùa, xã Lương Phong, xây dựng năm 1765, được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định 34/VH-QD ngày 1/9/1990. Lăng lưu giữ thi hài và thờ cúng hai cha con đều được phong Quận công dưới thời Lê là Trần Đình Ngọc và Trần Đình Miên. Lăng bố trí theo hình chữ nhật, tường bao quanh xây bằng đá ong cao ngập đầu người. Cổng lăng xây bằng đá ong nhìn xuống hồ nước rộng, cổng cuốn tò vò có đôi chó đá ngồi canh.

Các di vật trong lăng được tạo tạc bằng đá xanh khá tinh xảo, được bài trí từ ngoài vào trong đối xứng qua đường thần đạo gồm đôi ngựa đá có đủ yên cương, đôi voi, đôi sấu đá, các võ sĩ đầu đội mũ trụ tay cầm khí giới. Tiếp đến là hương án đá đặt giữa đường thần đạo, rồi một sập đá. Sau đó là am nhỏ ba gian để thờ cúng, xây bằng đá ong, cuốn ba cửa tò vò, mái lợp ngói vuông đỏ. Sau am là phần mộ xây vuông vức bằng đá ong.

7. Vùng Ngã Ba Xà thuộc xã Mai Đình là nơi sông Cà Lồ đổ vào sông Cầu, là biên giới tiếp giáp của ba huyện Hiệp Hòa, Yên Phong và Sóc Sơn. Vùng này gắn liền với sự tích Thánh Tam Giang và hai cuộc kháng chiến chống quân Tống năm 981 và 1077.

Làng Sổ (còn gọi là làng Trâu Lỗ, Ba Lỗ) thuộc xã Mai Đình, có đình và đền đều thờ Thánh Tam Giang: Trương Hống và Trương Hát. Đền Sổ nằm dựa lưng vào thân đê đầu làng theo hướng Tây Nam nhìn xuống dòng sông Cầu, cạnh đền có cây đa cổ thụ. Đình làng Sổ là một ngôi đình cổ bề thế, hiện còn lưu truyền câu thành ngữ "Cột đình Bầu, câu đầu đình Sổ". Năm 1384 Đoàn Xuân Lôi người làng Sổ đỗ Trạng nguyên. Năm 1901 Nguyễn Đình Tuân người làng Sổ đỗ Đình nguyên - đỗ đầu Tiến sĩ (triều đại đó nhà Nguyễn không lấy Trạng nguyên, Đình nguyên là Trạng nguyên của triều đại trước). Các cụ trong làng lý giải tên làng là do năm 981 quân Tống tàn phá coi như không còn làng - làng bị xóa sổ, sau chiến tranh làng mới tái lập lại và đặt tên là làng Sổ để ghi nhớ sự kiện bi thương.

Làng Mai Thượng (còn gọi là làng Tiếu Mai, làng Tiếu) thuộc xã Mai Đình. Đền Tiếu Mai thờ Trương Kiều - con trai Đức Thánh Tam Giang Trương Hống, đền có lễ hội tung hoa tổ chức vào ngày 2 tháng 2 âm lịch. Hội bơi chải làng Mai Thượng tổ chức vào ngày 10-14 tháng 3 âm lịch để tưởng nhớ 5 anh em Trương Hống cùng toàn gia đình đã chìm thuyền ở khúc sông này, chải dài 20 m đủ chỗ cho 29 người, đoạn bơi dài 1 km xuất phát từ bến Như Nguyệt.

Trên cánh đồng Xác thôn Mai Thượng còn có Chùa An Lạc (tên cũ là Chùa Xác) để cúng tế cầu vong cho hàng vạn linh hồn quân Tống bị chết ở đây trong đợt tấn công của Lý Thường Kiệt sang bờ Bắc vào năm 1077 khỏi bơ vơ nơi đất khách quê người . Chùa có tam bảo nhà tổ, nhà chai, gác chuông, tam quan, cây tháp. Trước cửa chùa là một rặng thông có tới trên trăm cây.

Đặc sản của làng Tiếu là rau cải nên có câu thành ngữ "Rau cải Tiếu nấu nước điếu cũng ngon".

Làng Hương Câu xã Hương Lâm có ngôi đình được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa. Đình thờ thành hoàng là Thánh Đương Giang, ông là tướng nhà Lý, chỉ huy một đội quân tinh nhuệ án ngữ bờ Bắc phòng tuyến Như Nguyệt, ông hạ trại và xây thành lũy tại làng và tuyển 320 trai tráng trong làng vào quân ngũ. Ông góp phần không nhỏ vào chiến thắng đánh tan 10 vạn quân Tống ở bờ Bắc phòng tuyến Như Nguyệt năm 1077. Lệ đình làng tổ chức vào ngày 4 - 7 tháng 1 âm lịch, ngày mùng 6 tổ chức hội cướp cầu, cầu làm bằng gỗ mít. Trên bàn thờ ở đình ngày lệ còn bày 320 quả bánh giầy để tưởng nhớ 320 trai làng tham gia chống quân Tống. Trước đình làng có cây quéo cổ thụ - một nhân chứng lịch sử.

Đền Xà nằm ở bờ Nam sông Cầu đối diện với chùa Xác, thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, là nơi thờ Thánh Tam Giang: Trương Hống, Trương Hát. Vào đêm Lý Thương Kiệt tiến công lên bờ Bắc tiêu diệt quân Tống năm 1077 tại đền Xà vang lên bài thơ thần " Nam quốc sơn hà" làm khích lệ tướng sĩ.

8. Đình Thắng Núi thuộc xã Đức Thắng, xây dựng năm 1686 cùng với ngôi chùa tạo thành quần thể kiến trúc, văn hóa khá quy mô, nằm trên một dải đồi cao thoáng, hình rồng lượn. Đặc biệt trên tấm y môn bằng gỗ ở lối vào hậu cung có một hình vẽ: nhiều chấm tròn xếp thành từng dải, bố cục trong một hình vuông. Khi thay các chấm tròn bằng các số từ 1 đến 9, cộng hàng ngang hàng dọc đều bằng 15.

9. ATK2 của Trung ương và Xứ ủy Bắc kỳ

An toàn khu thứ hai là vùng đất gồm Hiệp Hòa, Phổ Yên và phần phía Nam của Phú Bình. Tháng 8/1938 Ngô Tuấn Tùng đưa Hoàng Quốc Việt - Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ về tổng Hoàng Vân chỉ đạo phong trào và xây dựng cơ sở cách mạng. Về Hoàng Vân, Hoàng Quốc Việt được bố trí ở nhà cụ Đồ Ba (thân phụ của Ngô Tuấn Tùng) thuộc xóm Đông làng Vân Xuyên, từ đó nhà cụ Đồ Ba trở thành nơi đón tiếp các cán bộ Trung ương và Xứ ủy về hoạt động. Trong thời gian ngắn cơ sở đã được mở rộng tới cả ba xóm của Vân Xuyên: xóm Đông, xóm Trung và đặc biệt là xóm Đá. Các cán bộ lãnh đạo hoạt động trong thời kỳ bí mật đã tặng cho xóm Đá danh hiệu "Xóm Đỏ". Ngày ấy xóm Đá có 30 gia đình thì 26 gia đình có cán bộ đi lại, ăn ở và đặt cơ quan, lớp huấn luyện và hội họp, nhiều người bị Pháp bắt, tù đày, tra tấn dã man nhưng không hề có ai khai báo. Từ đó phong trào lan rộng ra cả tổng Hoàng Vân và nhiều làng xã của huyện Hiệp Hòa; rồi lan sang vùng lân cận như Ca Sơn hạ, Ca Sơn thượng thuộc huyện Phú Bình; Tiên Thù, Thù Dương huyện Phổ Yên.

Nhà cụ Đồ Ba (Ngô Văn Thấu) làng Vân Xuyên được công nhận di tích lịch sử văn hóa, nơi Hoàng Quốc Việt về gây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở Hiệp Hòa tháng 8/1938.

Ngôi nhà cổ cụ Đồ Hai (Ngô Văn Quỳ) là nơi tổ chức cuộc họp chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Yên Bái tháng 2/1930 do Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Nguyễn Thế Nghiệp chủ trì.

Ngôi nhà cụ Nguyễn Văn Chế, xóm Đá làng Vân Xuyên được công nhận di tích lịch sử, là nơi Trung ương Đảng khai mạc lớp huấn luyện chính trị cho cán bộ một số tỉnh thuộc Bắc Kỳ 19/11/1942, Tổng bí thư Trường Chinh trực tiếp dạy. Lớp học kết thúc, mờ sáng 21/11 quân Pháp đến vây bắt, Trường Chinh khéo léo thoát được ra bờ sông Cầu, được cha con ông Nịnh làm nghề chài lưới đưa sang sông an toàn.

Nhà ông Lý Đông (Ngô Văn Đông) làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân, nơi Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ lần thứ nhất ngày 15 - 20 tháng 4 năm 1945 để chuẩn bị tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Đền Soi làng Vân Xuyên thờ Thánh Tam Giang Trương Hống và Tương Hát, được công nhận di tích lịch sử. Đây là nơi Trung ương Đảng mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ các tỉnh về phương pháp khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8 năm 1945.

Đình Vân Xuyên thờ Thành hoàng làng là Đức Thánh Đuổm (Dương Tự Minh), nơi diễn ra nhiều cuộc mít tinh cách mạng và là nơi xuất phát của lực lượng vũ trang đi giành chính quyền ở huyện lỵ Hiệp Hòa ngày 1 tháng 6 năm 1945.

Đình Chợ Vân là ngôi đình của tổng Hoàng Vân. Nơi đây ngày 15/3/1945 nhân lúc phiên chợ còn đông người, Lê Thanh Nghị và Nguyễn Trọng Tỉnh đã đứng lên bờ tường đình tuyên truyền, hiệu triệu quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/3/1945 Ban cán sự tỉnh tổ chức một cuộc mít tinh tại đình chợ Vân đông tới hàng nghìn người, có sự tham gia thị uy của các đội tự vệ chiến đấu của tổng Hoàng Vân, tổng Ngọc Thành và khu vực ấp Ba Huyện. Sau cuộc mít tinh đoàn người biểu tình tiến thẳng vào Đồn Cọ phá kho lấy thóc. 

10. Khu vực Ông Tượng ở huyện lỵ. Đây là trung tâm Thị trấn Thắng. Đối với du khách lạ hoặc những người lâu năm không về Hiệp Hòa, điểm đầu tiên cần đến thăm là khu vực Ông Tượng.

Ông tượng được làm bằng xi măng năm 1970, đó là chàng thanh niên dáng rất hiên ngang, mặc bộ quần áo ta bay phần phật trước gió, chân đi đất, thắt lưng da ngang lưng, bên sườn phải cài lựu đạn quả na, tay phải cầm mã tấu, tay trái cầm cờ cán bằng cây tre. Đây là biểu tượng cho truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Hiệp Hòa. Ông Tượng đặt tại ngã sáu, chính giữa vườn hoa thị trấn Thắng. Xung quanh Ông Tượng là hệ thống ngân hàng, bưu điện, các cửa hàng buôn bán tấp nập. Trước 1970 trung tâm của thị trấn Thắng là mậu dịch cũ (nay là trường trung học cơ sở tư thục), từ ngày có Ông Tượng trung tâm thị trấn chuyển dần về chỗ Ông Tượng. Ông Tượng đã trở thành một tên riêng, dân Hiệp Hòa nói "đi Ông Tượng" hay "về Ông Tượng" nghĩa là đi đến trung tâm của thị trấn Thắng.

Chợ nổi tiếng từ xưa của Hiệp Hòa là chợ Thắng, hai phiên chợ chính họp vào ngày 2 và ngày 7 âm lịch, hai phiên chợ xép họp vào ngày 5 và 10 âm lịch, 27/12 âm lịch là phiên chợ tết. Chợ Thắng bây giờ họp ở rừng cây gần cống Ba Mô. Chợ Ông Tượng ngay cạnh Ông Tượng là "bản phụ lục" của chợ Thắng, mới xây dựng sau khi có Ông Tượng một thời gian, họp suốt cả ngày, rất tiện lợi cho việc sinh hoạt của dân phố Thắng và vùng phụ cận

Trước ngày có Ông Tượng, cây đa cổ thụ trước cửa Ủy ban huyện là biểu tượng của Hiệp Hòa. Cây đã có hàng trăm năm, những người hiện nay 100 tuổi nói rằng khi bé họ đã thấy cây đa to như vậy. Nhánh chính của cây đa đã bị gãy, hai nhánh lớn xum xuê hướng về hướng nam và hướng bắc. Giữa cây rỗng có đặt một bàn thờ và bát hương. Từ Đình Trám về Hiệp Hòa cách xa cây đa 5-10 km đã nhìn thấy ngọn đa. Thời thực dân Pháp và phát xít Nhật nhiều người đã bị treo cổ ở cây đa này, khoảng năm 1960 một thợ chặt cây khi chặt một cành đa to ngả trên nóc Ngân hàng huyện đã ngã nát đầu cùng với cành đa rơi xuống. Ngày 19/8/1945 đại diện nhân dân các xã của Hiệp Hòa tập trung tại huyện lỵ để dự mít tinh chứng kiến sự ra mắt của Ủy ban dân tộc giải phóng huyện. Một lá cờ đỏ sao vàng to lớn, rực rỡ, tươi rói phần phật tung bay trên đỉnh ngọn cây đa cổ thụ tại trung tâm huyện lỵ.

11. Tour du lịch sinh thái dọc sông Cầu thuộc địa phận Hiệp Hòa 50 km. Đi xe máy từ phố Thắng xuống chợ Lữ (có thể dừng lại thăm đình Lỗ Hạnh), tới bến Gầm, theo bờ Bắc sông, ngược sông Cầu đến bến đò Đông Xuyên, lên bến đò Ngọt rồi Ngã Ba Xà (nơi diễn ra hai trận đánh nổi tiếng của Lý Thường Kiệt diệt quân Tống), tiếp theo là bến đò Ninh Tào, cầu Vát mới xây dựng, bến đò Quế Sơn, bến đò Hà Châu, quay về phố Ca Sơn, kè Gia Tư, Phố Thắng. Tổng chiều dài khoảng 75 km. Tuyến du lịch này nên đi vào khoảng tháng 4, 5, 6 khi mà các cánh đồng luá hai bên bờ sông xanh tươi hoặc chín vàng, tre và cây đều xanh lá. Nhớ mang theo máy ảnh, khi đó bạn sẽ chụp được rất nhiều cảnh đẹp. Nếu thuê được thuyền đi dọc theo sông thì lại càng đẹp

12. Các cổ vật.

Các di vật cổ nhất của Hiệp Hòa gồm có: trống đồng Bắc Lý (đào được ở khu đất Gò Mụ, thôn Lý Viên, xã Bắc Lý vào năm 1975), trống đồng Xuân Giang, các hiện vật đào được trong khu di chỉ Đông Lâm. Tất cả các hiện vật này được lưu giữa ở Bảo tàng tỉnh Bắc Giang, Bảo tàng mở cửa vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Tại sân Bảo tàng còn có các bản sao rất nhiều tượng đá thuộc các lăng mộ của Hiệp Hòa.

Trống đồng Bắc Lý: giống trống đồng Ngọc Lũ, trống Đông Sơn, ở giữa có ngôi sao 12 cánh, 4 tượng cóc ở xung quanh. Đó là loại trống được xếp vào loại cổ nhất, một di sản đặc sắc và tiêu biểu của nền văn hóa Đông sơn cách đây 2000 năm.

Khu di chỉ Đông Lâm thuộc làng Đông Lâm, xã Hương Lâm. Ngành khảo cổ học đã tiến hành khai quật 80 mét vuông, sâu 1.8 mét (ước tính diện tích cư trú rộng 10.000 mét vuông) ở Đông Lâm, đã thấy lẫn trong đất và tro đen 16.643 mảnh gốm; 59 hiện vật bằng đá gồm công cụ sản xuất 13 chiếc rìu, 26 bàn mài, vòng trang sức 8, hạt chuỗi 2, khuôn đúc 3 ....; đồ dùng gồm 56 hiện vật: dao 2, lưỡi câu 2, dùi đồng 5, đục đồng 1, tên đồng 5, lục lạc 2; đồ xương có hai chiếc bằng răng lợn mài sắc dùng để trang sức. Đó là những đồ vật của cư dân thời Hùng Vương. 

13. Lăng Lan trung hầu Nguyễn Hạnh Thông, xây dựng năm 1771, nằm về phía Đông làng Vân Cẩm, xã Đông Lỗ. Quy mô kiến trúc không lớn nhưng rất đẹp với những vật liệu xây dựng bằng đá ong, mái lợp ngói mũi hài cỡ lớn, gạch lát hình vuông khổ to dầy bản. Các di vật trong lăng được tạo tạc bằng đá xanh liền khối rất tinh xảo: đôi chó đá, hai tượng quan võ, hai tượng quan văn, một tấm bia hình chữ nhật, một bia hình trụ tròn, ngai thờ, nhà mộ.

14. Miếu Long Động thuộc xã Bắc Lý, thờ Tứ vị nhà thánh: Nguyệt Hoa công chúa (con gái thứ 6 của vua Hùng), Đổng Bính và Cao Sơn thuộc đời Hùng Vương thứ 18, Trương Hống (Thánh Tam Giang). Đây là ngôi miếu rất linh thiêng, theo thần phả còn lưu giữ trong miếu thì các vị thần đã âm phù hộ quốc cho các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và Triệu Quang Phục, cuộc kháng chiến chống nhà Tống của Lý Thường Kiệt. Từ cổ xưa nhân dân nơi đây đã quy ước "Ngũ thôn đồng thần nhất miếu", nghĩa là miếu Long Động là nơi thờ chung của cả 5 thôn thuộc trang Bắc Lý cổ.

Chùa Kim Tước (chùa Cả) nằm ở làng Trung, xã Bắc Lý, xây dựng năm 1666, xây dựng trên một khu đất cao rộng, kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc. Phía sau chùa có nhà thờ mẫu thờ chúa Liễu Hạnh.

Phương Nhung (ST)