Truy cập nội dung luôn
Thứ năm, 09 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15,394
Tổng số trong ngày: 3,643
Tổng số trong tuần: 35,170
Tổng số trong tháng: 94,721
Tổng số trong năm: 1,090,779
Tổng số truy cập: 17,178,786

18 vị tiến sĩ thời phong kiến

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Hiệp Hòa là vùng đất cổ, có truyền thống lịch sử, văn hiến, yêu nước và cách mạng. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những truyền thống tốt đẹp đó đã được người dân Hiệp Hòa tạo dựng, hun đúc và ngày càng phát triển. Phát huy truyền thống của quê hương “Địa linh nhân kiệt”, trải qua các thời kỳ, Hiệp Hòa đã đóng góp cho đất nước “nghìn năm văn hiến” nhiều nhân tài, tuấn kiệt. Dưới thời phong kiến, tỉnh Bắc Giang có 63 người đỗ tiến sĩ, bao gồm 58 tiến sĩ văn và 05 tiến sĩ võ; trong đó, Hiệp Hòa có 18 tiến sĩ, gồm 17 tiến sĩ văn và 01 tiến sĩ võ.

Sau đây, Cổng TTĐT huyện Hiệp Hòa giới thiệu về 18 vị tiến sĩ thời phong kiến.

1. Đoàn Xuân Lôi

Đoàn Xuân Lôi người xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (xưa là tổng Mai Đình huyện Hiệp Hòa). Quê gốc ông ở Thanh Hóa. Ông tổ đời thứ ba của ông đã dấy nghiệp ở Châu Lỗ, Hiệp Hòa. Năm Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù thứ 8 (1384),  thi thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du, Đoàn Xuân Lôi đỗ đầu. Do vậy đời sau gọi ông là Trạng nguyên Đoàn Xuân Lôi.

Trong đình Châu Lỗ, xã Mai Đình hiện đang lưu giữ tấm bia đá ghi chép về Đoàn Xuân Lôi, dịch là: Ông họ Đoàn, tên húy là Xuân Lôi. Quê quán trước ở Thanh Hóa. Ông tổ đời thứ ba của ông đã di cư về xã làm ăn và dấy nghiệp ở đây. Khi mất có đặt mộ ở đồng Biến của bản xã. Chỗ ấy là nơi đất tốt, có lương bút dẫn mạch, lưỡng sỹ phù nghi. Có văn tinh chữ nhất làm án và có ấn vuông. Vì thế có tên tuổi trong văn học. Ông dự khoa thi Giáp Tý, niên hiệu Sương Phù năm thứ 8 (1384) triều Trần đỗ trạng nguyên. Về sau được thăng chức Trung thư Hoàng Môn, Thị lang thời Hồ Quý Ly nắm quyền. Người soạn văn bia: Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, khoa Tân Sửu, quan tuần phủ đã chí sỹ là Hữu Mai Nguyễn Đình Tuân" (theo sách Di sản văn hóa Bắc Giang về văn hóa phi vật thể).

2. Lê Nhữ Thông

Lê Nhữ Thông người xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Phúc Linh). Hiện chưa sưu tầm được năm sinh, năm mất. Các sách cũng ghi chép sai lệch về quê hương ông, chức vị của ông cũng ghi chép không thống nhất. Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo (bản chữ Hán) ghi rằng: Lê Nhữ Thông người xã Tân Phúc thi đỗ Đồng tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 15 (1484), làm quan đến chức Tự Khanh. Bia Kim bảng lưu phương đề danh tiến sỹ Kinh Bắc ở Văn miếu Bắc Ninh lại ghi rằng: Lê tướng công Lê Như Thông thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân làm quan đến chức án sát ngự sử đạo Hải Tây. Theo tập sách Tiên hiền bạ thì làng Phúc Linh có hai vị thi đỗ đại khoa nữa là Nguyễn Nhữ Tiếp và một vị tiến sĩ họ Lê làm quan đến chức Hàn lâm hiệu thảo.

3. Ngọ Doãn Trù (hoặc Ngọ Doãn Thọ)

Ngọ Doãn Trù người xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Ngọ Xá, huyện Yên Việt). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) đời vua Lê Chiêu Tông. Bia đề danh tiến sỹ ở Văn miếu Hà Nội ghi ông là người xã Bắc Lý nhưng các sách: Liệt huyện đăng khoa bị khảo, Đại Việt lịch đại đăng khoa lại ghi ông người xã Ngọ Xá, huyện Yên Việt. Sau khi thi đỗ, ông làm quan đến chức Đoán sự. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 90a, chép là Doãn Trù. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 7) khoa Mậu Dần, niên hiệu Quang Thiệu thứ 3 (1518) đời vua Lê Chiêu Tông. Làm quan đến chức Đoán sự.

4. Khổng Tư Trực

Khổng Tư Trực người xã Đoan Bái, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Đoan Bái, huyện Yên Việt). Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo ghi "Khổng Tư Trực xã Đoan Bái, đỗ đồng tiến sỹ khoa Bính Tuất (1526) niên hiệu Thống Nguyên đời vua Lê Cung Hoàng. Làm quan đến chức Tự Khanh. Nhà Lê mất, ông không bằng lòng phụng sự nhà Mạc. Thời Lê Trung Hưng về sau phong là Tiết nghĩa (bề tôi biết nghĩa)". Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục 95a, chép: "Khổng Tư Trực người xã Đoan Bái, huyện Yên Việt, trú quán ở xã Mộc Phàm, huyện Phú Xuyên (nay là huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 7) khoa Bính Tuất, niên hiệu Thống Nguyên thứ 5, đời Lê Cung Hoàng (1526); làm quan đến chức Tự Khanh. Khi họ Mạc tiếm ngôi, ông uống thuốc độc tự tử".

 5. Nguyễn Hoảng

Nguyễn Hoảng người thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Đức Thắng, huyện Hợp Hòa). Ông thi đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529), đời Mạc Đăng Dung. Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục (bản chữ Hán) ghi: khoa thi Kỷ Sửu, niên hiệu Minh Đức năm thứ ba thời Mạc Đăng Dung (1529) có Nguyễn Hoảng - người xã Đức Thắng, huyện Hợp Hòa đỗ thứ 5 Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân. Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo ghi: ông đỗ năm 40 tuổi, vậy là ông sinh năm Canh Tuất (1490) niên hiệu Hồng Đức thứ 21, đời vua Lê Thánh Tông. Ông xuất thân là thượng xá sinh. Sau khi thi đỗ, làm quan đến Tả thị lang bộ Hình, tước Đạm Khê bá. Ông là một trong 13 tiến sĩ của huyện Hiệp Hòa đỗ đại khoa của phủ Bắc Hà. Khi mất, ông được tặng tước Đạm Khê hầu.

6. Nguyễn Doãn Địch

Nguyễn Doãn Địch người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc xã Hoàng Vân, huyện Hợp Hòa). Ông sinh năm Canh Tuất (1490), niên hiệu Hồng Đức thứ 21. Năm 40 tuổi mới thi đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp) khoa Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức thứ 3 (1529) đời Mạc Đăng Dung. Đây là khoa thi đầu tiên do nhà Mạc mở kể từ khi lên nắm quyền. Khoa thi này lấy 3 vị Tiến sĩ cập đệ, 8 vị Tiến sĩ xuất thân, 16 vị Đồng tiến sĩ xuất thân. Xứ Kinh Bắc đỗ 13 vị trong đó có Nguyễn Doãn Địch và Nguyễn Hoảng (người xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa). Ông làm quan cho nhà Mạc đến chức Thượng thư bộ Lại kiêm chức Tế tửu Quốc tử giám, tước Mỹ trai bá rồi về chí sỹ. Sau khi mất được tặng tước Quận công. Tương truyền, ông là bố vợ của Thám hoa Hoàng Sầm, người cùng huyện.

7. Hoàng Sầm

Hoàng Sầm người xã Thái Sơn huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng Quế Trạo, huyện Hiệp Hòa, xứ Kinh Bắc). Ông sinh năm Nhâm Thân (1512), chưa rõ năm mất. Năm 27 tuổi thi đỗ Hội nguyên, thi Đình được ban Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Làm quan tới chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Hoành Phúc bá, sau được phong Hoành Phúc hầu (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

Theo sách Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án: Cha Hoàng Sầm mất sớm, ông cùng mẹ làm nghề cày ruộng. Ông được xem là một con người đặc biệt trong lịch sử thi cử phong kiến Việt Nam, năm 24 tuổi, Hoàng Sầm vẫn là một anh bần nông mù chữ, nhưng một lần khiêng kiệu tiểu thư xinh đẹp con gái quan thượng ông đã rung động. Về nhà ông nói với mẹ muốn lấy người con gái ấy, mẹ ông cho đó là chuyện hão nhưng bà vẫn vì con trai mà đi gặp quan thượng kể đầu đuôi câu chuyện. Quan thượng nói: “không hề gì”. Sau đó ông cho người đến gặp Hoàng Sầm và nói: “Con gái nhà quan không gả cho người dân thường. Sau này anh làm nên sự nghiệp mới lấy con gái ta được”.

Hoàng Sầm lạy hai lạy rồi nói: “Xin vâng, nhưng mong quan lớn đừng sai lời”.

Về nhà Hoàng Sầm bán đi một sào ruộng rồi tìm thầy xin học với quyết tâm làm nên sự nghiệp để xứng đáng với tiểu thư con quan. Chỉ sau 3 năm đèn sách, năm 27 tuổi ông thi đỗ Hội nguyên; thi đình đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ngày vinh quy bái tổ cũng là ngày làm lễ cưới của ông ngay sân nhà quan thượng, người làng đều vui mừng cho sự vẻ vang của ông.         

Hoàng Sầm là một đại quan dưới thời nhà Mạc làm tới chức Lễ bộ Tả thị lang, tước Hoành Phúc hầu.

8. Ngô Trang

Ngô Trang người xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng Gia Định, huyện Hiệp Hòa, xứ Kinh Bắc). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ngô Trang làm quan tới chức Hiến sát sứ” (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 103b ghi: Ngô Trang người xã Ninh Định, huyện Hợp Hòa (nay là xã Đại Thành, huyện Hiệp Hòa. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 7) khoa Mậu Tuất, niên hiệu Đại Chính thứ 9 (1538) đời Mạc Đăng Doanh. Ông làm quan đến chức Hiến sát sứ.

9. Nguyễn Thời Lượng

Nguyễn Thời Lượng người xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng Gia Định, huyện Hiệp Hòa, xứ Kinh Bắc). Ông đỗ Đệ nhị giáp tiến sỹ xuất thân (Hoàng giáp), khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Định năm thứ nhất (1547) đời Mạc Phúc Nguyên (theo sách Các nhà khoa bảng Việt Nam).

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 109a chép: Nguyễn Thời Lượng người xã Gia Định, huyện Hợp Hòa (nay là xã Quang Minh, huyện Hiệp Hòa). Ông đỗ Đệ nhị giáp đồng tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 2) khoa Đinh Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh năm đầu đời Mạc Phúc Nguyên (1547).

10. Nguyễn Phượng Sồ

Nguyễn Phượng Sồ người xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Xa Liễn, huyện Yên Việt). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Bính Thìn niên hiệu Quang Bảo thứ 2 (1556) đời Mạc Phúc Nguyên. Ông làm quan đến chức Phụng Thiên phủ doãn” (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 116a ghi: Nguyễn Phượng Sồ người xã Xa Liễn huyện Yên Việt (nay là xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa), trú quán ở xã Nam Ngạn, huyện Yên Việt (nay là xã Quang Châu, huyện Việt Yên), xuất thân Tư vụ. Ông đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 16) khoa Bính Tuất, niên hiệu Quang Bảo thứ 3, đời Mạc Phúc Nguyên (1556). Ông làm quan đến chức Phụng Thiên Phủ Doãn.

11. Tiến sĩ Nguyễn Kính

Nguyễn Kính người xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà (xưa thuộc xã Quế Trạo, huyện Hợp Hoà), sinh năm Nhâm Ngọ (1522), xuất thân Giám sinh. Năm 38 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa thi năm Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 5 (1559) đời Mạc Phúc Nguyên. Nguyễn Kính được giao trọng trách đi sứ nhà Minh năm 1580, khi về được triều Mạc thăng chức Thượng thư bộ Lễ, tước Hương Sơn hầu, rồi về chí sĩ và mất tại quê nhà (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 116b, Nguyễn Kính sinh năm Nhâm Ngọ (1522), người xã Quế Trạo, huyện Hợp Hoà (nay là xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hoà), xuất thân Giám sinh. Năm 38 tuổi, ông đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ 4) khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Bảo thứ 6, đời Mạc Phúc Nguyên - 1559. Ông từng đi sứ phương Bắc; làm quan đến chức Thượng thư, tước Hương khê hầu, chí sỹ.

12. Nguyễn Nhữ Tiếp

Nguyễn Nhữ Tiếp người xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (xưa là xã Phúc Linh, huyện Hợp Hòa). Khi ông 53 tuổi mới thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân khoa Giáp Tuất, niên hiệu Sùng Khang thứ 9 (1574) đời Mạc Mậu Hợp.

Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo, Đỉnh khiết liệt triều đăng khoa lục, bia tiến sĩ Văn miếu Bắc Ninh ghi chép rằng: Ông làm quan tới chức Thị lang, tước bá rồi về chí sĩ. Sách Tiên hiền bạ của làng Phúc Linh ghi ông làm quan tới chức Lễ bộ Hữu thị lang. Sách Liệt huyện đăng khoa bi khảo còn chép thêm về ông: Nhà Mạc mất, ông cải tiết làm quan cho nhà Lê, mưu cầu đại dụng. Tuy nhiên, nhà Lê cho là nghịch thần nhà Mạc nên cuối cùng cũng không dùng.

Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 123b, Nguyễn Nhữ Tiếp sinh năm Nhâm Ngọ (1522), người xã Phúc Nghĩa, huyện Hợp Hòa (nay là xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa). Trú quán ở xã Đông Lâm, huyện Yên Phong (nay là xã Đông Tiến, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh), xuất thân Giám sinh. Ông làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công; được về chí sỹ.

13. Tạ Thuần

Tạ Thuần sinh năm Mậu Tuất (1538), người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng Hoàng Vân, huyện Hợp Hòa), xuất thân Giám sinh. Đến năm 52 tuổi mới thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị thứ 2 (1589) đời Mạc Mậu Hợp. Khi nhà Mạc thất thế chạy lên Cao Bằng, ông biết nhà Mạc tất sẽ bại vong bèn bỏ nhà Mạc theo nhà Lê nhưng nhà Lê lại cho ông là kẻ bất trung bất nghĩa nên không dùng. Về sau, Tạ Thuần quay lại Cao Bằng phụng sự nhà Mạc. Nhà Mạc lấy làm quan Giám sát ngự sử, tuy có dùng nhưng vẫn rất nghi ngờ. Bia văn miếu Bắc Ninh “Kim bảng lưu phương” ghi danh tiến sỹ Kinh Bắc chép ông làm quan đến chức Tham chính (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

Sách Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 130b ghi: Tạ Thuần sinh năm Mậu Tuất (1538), người xã Hoàng Vân, huyện Hợp Hòa (nay là xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa), xuất thân Giám sinh. Năm 52 tuổi, ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân (tên đứng thứ 5) khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Hưng Trị thứ hai, đời Mạc Mậu Hợp (1589). Ông làm quan nhà Mạc, đến chức Giám sát. Sau theo về nhà Lê, làm đến chức Thừa chính sứ.

14. Nguyễn Hữu Đức    

Nguyễn Hữu Đức người xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng  Cẩm Bào, huyện Hợp Hòa). Ông sinh năm Bính Dần (1566), xuất thân sinh đồ. Năm 27 tuổi, thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh thứ 2 (1592) đời Mạc Mậu Hợp, sau làm quan đến chức Hàn lâm.

Sách Liệt huyện đăng khoa bị khảo chép ông đăng khoa năm 27 tuổi. Khoa thi này, nhà Mạc lấy 20 vị đỗ đại khoa, xứ Kinh Bắc 7 vị, trong đó có hai người Bắc Giang (ngày nay) là Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Tảo đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ.

Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 131b, Nguyễn Hữu Đức sinh năm Bính Dần (1566), người xã Tú Cẩm, huyện Hợp Hòa (nay là xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa), xuất thân sinh đồ. Năm 27 tuổi đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng đầu) khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Ninh thứ 2, đời Mạc Mậu Hợp (1592). Ông làm quan đến chức Hàn Lâm.

15. Nguyễn Nhân Trừng

Nguyễn Nhân Trừng người xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc xã Xa Liễn, huyện Yên Việt). Ông sinh năm Đinh Hợi (1587). Năm 37 tuổi, ông dự kỳ thi Hội khóa Quý Hợi niên hiệu Vĩnh Tộ thứ 5 (1623) đời vua Lê Thần Tông đã trúng cách, sau vào thi Đình đỗ Đồng tiến sỹ xuất thân.

Theo Liệt huyện đăng khoa bị khảo, ông cùng với Nguyễn Trật bị nghi ngờ vì cố tình “dính líu trong việc thi cử không được rõ ràng” cho nên không được ban thứ bậc. Sau làm quan tới chức Đô cấp sự trung, tước Nam.

Theo Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục, 143b,  Nguyễn Nhân Trừng, sinh năm Đinh Hợi (1587), người xã Xa Liễn, huyện Yên Việt (nay là xã Châu Minh, huyện Hiệp Hòa), xuất thân Giám sinh.Ông làm quan đến chức Binh khoa Đô cấp sự trung, tước Nam.

16. Trịnh Ngô Dụng

Trịnh Ngô Dụng người xã Hoàng Vân, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc xã Vân Trùy, tổng Hoàng Vân, huyện Hợp Hòa). Ông sinh năm 1684, tên tự là Hiên Trai. Nguyên trước ông là người Sơn Nam, năm 6 tuổi bị thương nhân dắt đi bán về Kinh Bắc, tuy còn nhỏ nhưng thông minh khác lạ. Vào năm Tân Sửu, niên hiệu Thái Bảo thứ 2 (1721) đời vua Lê Dụ Tông, Ngô Dụng đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, làm quan đến chức Lại bộ tả thị lang, nhập thị, hành tham tụng, tước Lại Đình hầu, được cử đi sứ nhà Thanh. Ông mất trên đường đi sứ năm 1746. Khi mất được phong tặng chức Binh bộ Thượng thư, Lại Quận công, trụ quốc thượng trật. Hàm Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu. Tên thụy được đặt là Nhã Trực. Ngôi nhà dạy học ở quê thành nhà thờ tổ họ. Có hai câu đối ca ngợi công tích khoa bảng của tiền nhân và cụ Ngô Dụng cũng được ghi chép thờ tự ở đình Vân Xuyên. Do ông còn mang họ gốc nên có tài liệu chép là Trịnh Ngô Dụng để đời sau ghi nhận (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

17. Nguyễn Đình Tuân

Nguyễn Đình Tuân người xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (xưa là tổng Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, phủ Lạng Giang). Tên tự là Hữu Mai, sinh ngày 12 tháng giêng năm Đinh Mão (1867) tại làng Châu Lỗ. Làng Châu Lỗ có tên nôm là làng Sổ, nên ông nghè Nguyễn Đình Tuân còn được gọi là ông nghè Sổ.

Năm Đinh Dậu (1897) khi ông đã 31 tuổi thi Hương đỗ cử nhân. Bốn năm sau (1901) đỗ Đình nguyên. Tháng 12/1902 được bổ làm tri huyện huyện Lục ngạn nhưng ông không nhận. Năn 1903, được bổ chức tri huyện huyện Việt Yên. Sau được bổ làm giáo thụ tỉnh Yên Bái rồi đốc học Ninh bình, đốc học trường Quy thức Hà nội, đốc học Hà Đông. Năm 1916, đời vua Duy Tân được ban thưởng đặc cách làm hồng lô tự khanh. Năm 1918, làm quan Bồi thẩm Tòa án Hà Nam. Năm 1919, đổi về tỉnh Bắc Ninh. Năm 1920 đến 1923, làm án sát Bắc Ninh.

Năm 1927, ông về nghỉ hưu, làm nghề dạy học. Năm 1941 tạ thế, thọ 75 tuổi. Ông đã để lại nhiều bài thơ, văn, câu đối, nhưng tiêu biểu là bộ sử Đại Việt quốc sử cải lương (4 tập, 1000 trang). Hiện ông được tôn thờ làm thành hoàng ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên vì ông đã đem giống chè từ Phú Thọ về trồng ở Tân Cương, ông được coi như ông tổ nghề chè ở đây (theo sách Địa chí Bắc Giang từ điển).

18. Tiến sĩ võ: Hoàng Đình Tá

Hoàng Đình Tá người xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa (xưa thuộc tổng Quế Trạo, huyện Hiệp Hòa). Ông đỗ Đồng Tạo sĩ trúng hạng khoa Bính Thìn năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1726) đời vua Lê Ý Tông.

Tại Hội thảo khoa học Danh nhân võ lược tiêu biểu thế kỷ XV- XVIII tỉnh Bắc Giang, trong bài viết “Vài nét về võ thí và võ Tiến sĩ thời Lê - Trịnh của đất Bắc Giang - Kinh Bắc”, PGS.TS Nguyễn Công Việt - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm có viết: Võ tiến sĩ Hiệp Hòa là Hoàng Đình Tá, người làng Quế Trạo. Ông đỗ Đồng Tạo sĩ trúng hạng khoa Bính Thìn năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1726) đời vua Lê Ý Tông.

BBT