Truy cập nội dung luôn
Thứ sáu, 10 Tháng 05 Năm 2024

Bản đồ hành chính Bản đồ hành chính

<a href="https://www.bacgiang.gov.vn/web/uy-ban-mat-tran-to-quoc-tinh-bac-giang/thu-vien">Thư viện ảnh</a> Thư viện ảnh

Bản tin truyền thanh Bản tin truyền thanh

Không tìm thấy video nào

Bản tin truyền hình Bản tin truyền hình

Không tìm thấy video nào

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8,965
Tổng số trong ngày: 832
Tổng số trong tuần: 39,929
Tổng số trong tháng: 99,480
Tổng số trong năm: 1,095,538
Tổng số truy cập: 17,183,545

Đặc sắc kiến trúc nghệ thuật đình Đông Trước

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết

Đình Đông Trước thuộc địa phận thôn Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang) có nhiều nét độc đáo, được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia năm 2014.

Đình Đông Trước là công trình tín ngưỡng của nhân dân thôn Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Đình Đông Trước có niên đại khởi dựng từ thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII) và được trùng tu vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Đây là công trình tín ngưỡng tiêu biểu của nhân dân địa phương được dựng lên làm nơi thờ các vị Thành hoàng làng Cao Sơn, Qúý Minh Đại Vương và Bạch Tượng. Hai vị Cao Sơn, Qúy Minh vốn là thuộc tướng thời vua Hùng Vương thứ 18, có công giúp vua Hùng Duệ Vương (thế kỷ III TCN) phá tan giặc Thục Phán đến xâm lăng. Bạch Tượng có công giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân (thế kỷ X) thống nhất đất nước.

Đình Đông Trước có bố cục theo lối “tiền nhất hậu công” gồm tòa tiền đình, tòa đại đình, dải ống muống và hậu cung. Di tích là công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao, mang nét đặc trưng của hai nền nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng-Nguyễn. Trong di tích hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý như: 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn (bia Hậu Thần được lập sớm nhất tại đình vào năm 1722 niên đại Bảo Thái thứ 3, muộn nhất vào năm 1916 niên đại Khảỉ Định); kiệu thờ, bảng văn, 4 ngai thờ thời Nguyễn, chấp kích, đài thờ, mâm bồng, nhang án, chiêng đồng, bát hương... Trong đó, 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn khắc văn tự Hán với nội dung ghi về việc lập Hậu Thần, việc công đức tu sửa đình... có ý nghĩa tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử di tích và một thời kỳ đã qua của nhân dân trong vùng nói riêng và của dân tộc nói chung.

Đình Đông Trước là nơi thờ các vị Đức thánh Cao Sơn, Qúy Minh Đại Vương, Bạch Tượng làm Thành Hoàng làng. Hai vị Cao Sơn, Qúy Minh vốn là thuộc tướng thời vua Hùng Vương thứ 18, có công giúp Hùng Duệ Vương (thế kỷ III TCN) phá tan giặc Thục Phán đến xâm lăng, mang lại bình yên cho đất nước. Công lao của các ngài được các sử thần xưa biên ghi trong quốc sử, ngọc phả, thần tích, sắc cho nhân dân nhiều nơi lập đình, đền thờ phụng, trong đó có đình Đông Trước, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa. Bạch Tượng vốn là người ở châu Hoan (tỉnh Nghệ An ngày nay). Vào thế kỷ X, khi Đinh Bộ Lĩnh dấy quân ở Hoa Lư, ông đem quân đến giúp sức dẹp được loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, về già ông đem quân về Động Phỉ rồi qua đời ở đó. Vì có công với dân, với nước nên ông được tôn thờ trong các đình làng.

Đình Đông Trước là công trình kiến trúc cổ kính được khởi tạo vào thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVIII), trùng tu lớn vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Trải qua hơn 200 năm, nhiều mảng chạm trổ, điêu khắc điển hình cho nghệ thuật kiến trúc thời Lê Trung Hưng, thời Nguyễn hiện vẫn còn được bảo lưu tại di tích. Chính quyền cùng nhân dân địa phương luôn quan tâm, ý thức ghi giữ, tu sửa tôn tạo ngôi đình thêm khang trang, tố hảo nhưng vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính, uy linh. Trong di tích hiện nay còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật quý rất có giá trị: 5 tấm bia đá thời Lê Trung Hưng và thời Nguyễn, ngai thờ, bảng văn, sắc phong, chấp kích, kiệu thờ, bát hương, nhang án...

Trải qua nhiều thế kỷ, ngôi đình hiện vẫn là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của người dân thôn Đông Trước. Trong ngày hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian cổ truyền mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc: Chọi gà, đánh đu, kéo co... Bên cạnh đó vào những ngày rằm, mồng một và khi làng diễn ra sự kiện trọng đại thì người dân đều đến ngôi đình làng thắp nén hương thơm thành tâm dâng lên Thành Hoàng làng cầu cho vạn vật tốt tươi, người người khỏe mạnh, bình an.

Đình Đông Trước là trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân trong thôn Đông Trước từ bao đời nay. Gắn liền với di tích, hằng năm nhân dân và chính quyền địa phương tổ chức 3 ngày hội lệ chính sau: Ngày mồng 4 tháng Giêng là ngày giỗ của Đức thánh Cao Sơn. Hội lệ thường được kéo dài từ 3 đến 5 ngày với nhiều trò chơi dân gian phong phú như kéo co, đánh đáo, đấu vật... Ngày 14 tháng 5 là ngày giỗ Bạch Tượng. Các nghi lễ được tổ chức giống như hội lệ mồng 4 tháng Giêng, ngoài ra còn có thêm lệ nếm giá. Giá đỗ được cắt bỏ đầu, đuôi đem trộn với vừng, chia ra làm 4 bát làm lễ cúng. Sau khi cúng xong đem chia cho mâm các cụ ở đình thụ lộc.

Bên cạnh đó, trong ngày này dân làng còn tổ chức lệ nếm Dưa đen như sau: Dưa đen được mang ra đình làm lễ vật dâng Thánh. Sau khi tổ chức xong các nghi lễ cúng thì tiến hành thụ lộc ngay tại khuôn viên di tích. Theo lệ trước đây, vào ngày giỗ Bạch Tượng (14/5), khi nào các cụ tổ chức cúng tế ở đình xong thì người dân mới được mua giá đỗ và dưa đen về nhà ăn. Ngày nay, hai lệ này vẫn được duy trì nhưng người dân không phải chờ đến lúc cúng xong ở đình mới được phép mua về nhà ăn như trước nữa. Ngày 9,10,11 tháng 9 là lệ giỗ Qúy Minh Đại Vương. Đây là ngày lệ lớn nhất trong năm của người dân nơi đây thông thường 3 năm 1 lần lại mở hội rất to. Trong ngày hội ngoài dân trong làng, khách thập phương thì còn tổ chức đón dân anh lên cùng chung hội. Từ lâu làng Đồng Trước đã kết nghĩa huynh đệ với làng Mai Trung để cùng nhau bảo vệ mùa màng, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn, gắn bó với nhau như anh em một nhà và luôn tôn trọng nhau. Làng Mai Trung nằm ở phía Nam làng Đông Trước, thông thường cứ 3 năm 1 lần họ lại đón nhau vào ngày mở hội với lễ rước được thực hiện rất long trọng. Ngày nay vào các ngày hội lệ, dân làng và chính quyền địa phương vẫn duy trì các nghi lễ trên nhưng không tổ chức đón rước dân anh như trước nữa.

Bên cạnh ngày hội chính, vào ngày rằm, mùng một hằng tháng, người dân làng Đông Trước cũng không quên đến đình thắp hương dâng lễ cầu mong những điều tốt lành. Qua những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng tại di tích góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”... Truyền thống tốt đẹp này được phát huy, kế thừa qua nhiều thế hệ góp phần duy trì và phát triển cuộc sống cộng đồng qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử.

Phương Nhung (biên soạn)